Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) bước sang giai đoạn đàm phán mới sau khi dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung của hội nghị được công bố vào ngày 10/11.
Dự thảo dài 7 trang kêu gọi các quốc gia tăng cường các mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 và lần đầu tiên, kêu gọi loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch. Dự thảo nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, cần có hành động có ý nghĩa và hiệu quả trong "thập kỷ quan trọng này", và kêu gọi các quốc gia, vào cuối năm 2022, đưa ra các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030 trong các kế hoạch quốc gia để phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris.
Tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào dự thảo, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Dự thảo cũng thừa nhận cần tài trợ cho các nước đang phát triển nhiều hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay cam kết này chỉ có thể được thực hiện sớm nhất vào năm 2022. Ngoài ra, dự thảo cũng có nội dung trong đó yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2023 để xem xét tiến triển của các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu cho năm 2030.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết ông mong đợi "văn bản gần như cuối cùng" sẽ sớm được công bố, nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng của hội nghị sẽ định hướng tương lai cho các thế hệ mai sau. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả các nước đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong những ngày qua, song "vẫn còn một chặng đường dài phía trước". Ông Johnson kêu gọi tất cả các quốc gia cần thảo luận với tham vọng lớn hơn nếu muốn đạt mục tiêu hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Theo các nhà khoa học, để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thế giới phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố tại COP26 vào ngày 9/11 cho biết với các mục tiêu ngắn hạn đến năm 2030 mà các nước đã cam kết, nhiệt độ Trái Đất dự kiến sẽ tăng 2,4 độ C trong thế kỷ này.
Theo TTXVN
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/cong-bo-du-thao-tuyen-bo-chung-hoi-nghi-cop26-a4775.html