Ngày 14/11 là Ngày Đái tháo đường thế giới. Trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường. Đông Nam Á là một trong những khu vực có tỉ lệ người mắc đái tháo đường nhiều nhất trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia trong một cuộc phỏng vấn gần đây, đã đưa ra những con số khiến nhiều người phải chú ý. Tại Malaysia cứ hai người, thì có một người quá béo. Trong năm người trưởng thành, có một người mắc bệnh đái tháo đường.
Con số của Cục Thống kê Malaysia năm 2020 cho thấy, bệnh tim đứng đầu trong số năm loại bệnh gây ra cái chết ở đất nước này. Người dân Malaysia được khuyến cáo nên tự thay đổi lối sống và cách ăn uống, không nên chỉ dựa vào Chính phủ.
Malaysia hiện có khoảng 3,9 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này tăng đều trong nhiều năm. Năm 2011 người mắc bệnh chiếm 11,2% dân số, năm 2015 là 13,4%, năm 2019 là 18,3% và thậm chí lên tới 20% trong năm 2020. Đái tháo đường là một trong những loại bệnh không truyền nhiễm mà người dân Malaysia mắc nhiều nhất nhưng có khoảng 50% người trưởng thành không biết mình mắc bệnh này.
Chính phủ Malaysia cho rằng nguyên nhân người dân nước này mắc bệnh này nhiều chủ yếu là do thói quen sinh hoạt. Hàng ngày, người dân sử dụng nhiều thức ăn đồ uống có đường.
Năm 2015, để tuyên truyền cho Ngày cả nước luyện tập thể dục thể thao, lần đầu tiên ở Malaysia, hình ảnh vị Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao, đã được đưa lên trang bìa của tạp chí Mens Heath.
Bộ Tài chính Malaysia, trong phương án tài chính 2022 hướng tới mục tiêu "Vì sức khỏe người dân", đã đưa ra chính sách tăng thuế đối với đồ uống có đường và các loại bánh kẹo có đường. Ba tháng trước khi thực hiện tăng thuế, chính phủ Malaysia sẽ để cho các nhà sản xuất và thương mại thanh lý hết số hàng tồn kho và có kế hoạch sản xuất các nhãn hàng có lượng đường thấp.
Đức Cường
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tinh-trang-benh-dai-thao-duong-o-malaysia-a4951.html