Phát triển kinh tế biển vùng nam đồng bằng sông Hồng

Được thiên nhiên ưu đãi bờ biển trải dài gần 150 km, các tỉnh vùng nam đồng bằng sông Hồng như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình trong những năm qua đã khai thác khá tốt tiềm năng, lợi thế, bước đầu đưa kinh tế biển trở thành động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, quy mô phát triển còn nhỏ lẻ, manh mún, cần phải tạo ra khâu “đột phá”. Để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng ven biển.

Kiểm tra sự phát triển tôm thương phẩm của hộ nuôi tôm vùng ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình)

Để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, thời gian qua, thực tiễn đã cho thấy mỗi tỉnh trong vùng đã có những bước đi, cách làm riêng hiệu quả. Song nét tương đồng là ở chỗ các tỉnh đang tích cực triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nỗ lực nuôi trồng thủy sản, vượt đại dịch Covid-19

Ông Đỗ Quang Bốn, trú tại thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã gắn bó với biển hơn ba chục năm nay, từng là một nông dân chập chững vào nghề nuôi trồng thủy sản với số vốn đầu tư ít ỏi, quy mô khiêm tốn. Nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như xây nhà màng diện tích 5.000 m2 để ứng dụng hiệu ứng nhà kính giữ ấm khi nuôi tôm mùa đông; kết hợp sử dụng hệ thống tự động hóa kiểm soát môi trường ao nuôi trên vùng quai đê lấn biển, đến nay, ông Bốn trở thành chủ cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng có quy mô lớn nhất xã Thái Thượng. Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gia đình ông có thời điểm vẫn thu hoạch được hơn 100 tấn tôm thương phẩm, thu về từ 8 đến 9 tỷ đồng trong một năm. Nhiều hộ dân khác ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) cũng nỗ lực sản xuất, vượt dịch Covid-19 bằng cách đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến để duy trì nuôi tôm quanh năm, đem lại thu nhập ổn định. Hoặc mạnh dạn khai thác lợi thế bãi triều rộng thoải, lượng thức ăn tự nhiên phong phú để mở rộng quy mô nuôi thả ngao thương phẩm, ngao giống với tổng diện tích chiếm 36,54% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Thái Bình. Nhờ đó, những năm gần đây Thái Bình luôn duy trì và giữ vững sản lượng nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao nước mặn đạt sản lượng 110 nghìn tấn/năm; nuôi ngao nước lợ đạt sản lượng hơn 12 nghìn tấn/năm). Bình quân giá trị nuôi ngao đạt từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/ha và trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Bình.

Vùng bãi bồi ven biển ở tỉnh Ninh Bình có diện tích hơn 7.000 ha, lại mang nhiều nét đặc trưng riêng khi hằng năm bãi bồi tiến ra biển khoảng 100 m. Ở đây có Cồn Nổi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phát huy tiềm năng lợi thế, nông dân vùng biển tỉnh Ninh Bình xây dựng được hơn 300 trang trại sản xuất hàu giống, ngao giống, cho thu hoạch từ 4 đến 5 vụ/năm, với giá trị đạt 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Ông Đinh Xuân Hùng, nông dân xóm 4, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết: Năm 2021, ngoài sản xuất ngao giống, nuôi tôm thương phẩm, gia đình ông còn đầu tư nuôi cua biển, thu hoạch được chừng 2 tấn cua/năm. Với giá bán 150.000-230.000 đồng/kg cua thịt và từ 370.000-450.000 đồng/kg cua gạch, năm nay gia đình ông Hùng thu từ cua biển được gần 200 triệu đồng.

Dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nông dân 19 xã, thị trấn vùng biển các huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng (Nam Định) vẫn tích cực phát triển kinh tế biển. Mục tiêu của tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất vùng ven biển chiếm tỷ trọng từ 30% đến 35%; đến năm 2030, trở thành cực tăng trưởng mạnh về kinh tế của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Nam Định tập trung xây dựng hơn 50 vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh theo quy trình VietGAP. Đến nay, Nam Định tạo ra được nhiều sản phẩm trở thành đặc sản của địa phương như: cá song, cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng; tôm thẻ chân trắng ở huyện Hải Hậu; ngao vạng ở huyện Giao Thủy.

Không chỉ nông dân bám biển sản xuất, mà nhiều doanh nghiệp ở Nam Định đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả cao như: Công ty TNHH Thủy sản Lenger phát triển vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm, đạt chứng nhận ASC (chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững). Ngày 22/11 vừa qua, Công ty TNHH Thủy sản Lenger đã xuất khẩu công-ten-nơ thịt ngao đóng hộp đầu tiên sang châu Âu, mở ra cơ hội lớn về tiêu thụ thủy sản cho tỉnh Nam Định, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định: “Kinh tế biển đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, với đóng góp hằng năm đạt hơn 25% tổng giá trị sản xuất của tỉnh”.

Sự nỗ lực nêu trên của nhiều nông dân, doanh nghiệp ở vùng biển nam đồng bằng sông Hồng góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép: vừa khôi phục sản xuất, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Hướng tới tăng trưởng xanh

Phơi cá biển tại Tổ dân phố số 9, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)

Phơi cá biển tại Tổ dân phố số 9, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy cho biết: Mục tiêu phát triển kinh tế biển của Thái Bình là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để thực hiện, tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án. Điển hình là Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030; đánh giá hiện trạng, trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển Thái Bình định kỳ 5 năm/lần; phát triển các mô hình tổ đội, hợp tác xã đồng quản lý, liên doanh, liên kết chế biến, tiêu thụ thủy sản. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển; nâng cấp bảo dưỡng nhiều công trình khác thuộc khu vực cảng biển quốc gia Diêm Điền, các cảng cá, bến cá; nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, giữ vững sản lượng khai thác bình quân đạt khoảng 80.000 tấn hải sản/năm.

Tỉnh Nam Định đã tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có chiến lược phát triển kinh tế biển; bổ sung quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô gần 14.000 ha vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020; quy hoạch các cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 500 ha ở khu vực ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các dự án, công trình lớn như: cầu Thịnh Long nối huyện Nghĩa Hưng với huyện Hải Hậu; xây dựng tuyến đường trục kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và tuyến đường bộ ven biển…

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển kinh tế biển ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế: Quy mô nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết “bốn nhà” nên chưa tạo ra được khâu đột phá để thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng kinh tế biển tuy có tăng, song còn thấp; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thủy hải sản và các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch biển chậm phát triển. Hầu hết vùng ven biển các tỉnh nêu trên chưa hình thành được các trung tâm thương mại. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển dù được Trung ương, các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng còn yếu kém, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế biển. Do vậy, các tỉnh trong khu vực chưa thu hút được nhiều dự án lớn; chưa xây dựng được khâu “đột phá” hoặc cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém dẫn đến khó thực hiện sự kết nối luân chuyển hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận, tạo “rào cản” trong phát triển kinh tế biển.

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có bờ biển nối liền, trải dài gần 150 km; có hàng nghìn héc-ta bãi bồi và vùng thềm lục địa rộng lớn. Đó là tiềm năng, lợi thế. Để hướng tới tăng trưởng xanh về kinh tế biển vùng nam đồng bằng sông Hồng, cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, môi trường biển ở từng tỉnh, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa công tác quản lý và phát triển kinh tế khu vực ven biển. Chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đạt chuẩn chất lượng; gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, đặc sắc ở từng vùng. Căn cứ thực tế từng vùng biển, từng địa phương cần sớm lựa chọn, thúc đẩy khâu “đột phá” về phát triển kinh tế biển phù hợp như: Xây dựng cảng biển nước sâu và các dịch vụ vận tải biển; hoặc linh hoạt phát triển mạnh hoạt động đánh bắt xa bờ, hạn chế việc khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy sản gần bờ; kiểm soát, xử lý nghiêm việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường ven biển, tạo ra trục giao thông nối liền các tỉnh trong khu vực, phục vụ luân chuyển, thông thương sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm biển; hình thành các khu công nghiệp chế biến, khu kinh tế và các đô thị ven biển; tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm môi trường. Có như vậy mới thật sự hướng tới tăng trưởng xanh và nâng cao đời sống người dân vùng ven biển.

Theo Nhân dân

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phat-trien-kinh-te-bien-vung-nam-dong-bang-song-hong-a5235.html