Cứ đến tháng 10, 11 hàng năm, bà con dân tộc Xơ Đăng lại vào rừng để trồng cây sâm Ngọc Linh. Nhờ có “viên ngọc quý” này mà biết bao đồng bào dân tộc sống dưới chân núi Ngọc Linh đã xóa đói, giảm nghèo, làm giàu thành công.
Nguồn gốc sâm Ngọc Linh
Trên đỉnh núi Ngọc Linh trải dài dọc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, nằm ở độ cao 1.500 - 2.500m là những khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi với thảm thực vật dày và môi trường, khí hậu rất phù hợp cho một loài cây phát triển: cây thuốc giấu. Ngày nay, cây thuốc giấu được biết đến với tên gọi khác là cây sâm Ngọc Linh, cây sâm Việt Nam.
Cây sâm Ngọc Linh được biết đến là cây dược liệu “vàng”, quý hiếm bậc nhất. Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây chứa 52 hợp chất saponin. Trong đó 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm còn chứa các polyacetylen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng. Cũng bởi vì bổ dưỡng và quý hiếm mà hiện nay giá sâm Ngọc Linh luôn ở mức cao, khoảng 120 - 260 triệu đồng/kg.
Trước đây, đồng bào Xơ Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh xem cây sâm như một phương thuốc chữa bệnh. Ai đau ốm, bị rắn cắn hay gặp phải các bệnh thông thường dân làng thường lấy cây thuốc giấu ra ngậm, sau khi dùng thuốc thì cảm thấy khỏe khoắn, hết bệnh.
Phát triển kinh tế nhờ sâm Ngọc Linh
Trước đây, cây sâm Ngọc Linh mọc hoang dã trong tự nhiên ở độ cao hơn 1.200m, trong điều kiện thời tiết khoảng 20 độ C. Hiện tại, khi biết đến giá trị thực sự của cây sâm này, đồng bào Xơ Đăng đã biết gom những cây sâm mọc hoang dại, rải rác trong rừng đem về trồng.
Đồng bào trồng sâm thành luống, phân lô rất khoa học để chống xói mòn, giữ nguyên độ tơi xốp của đất và che chắn, bảo vệ nghiêm ngặt cho cây sâm phát triển. Hàng năm, sau khi thu hoạch, đồng bào đem hạt sâm vào rừng già để ươm. Đến tháng 3, cây sâm lên mầm và ra củ. Khoảng 5 tháng sau, khi cây bắt đầu sinh trưởng tốt thì có thể di thực dưới tán rừng.
Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa, cây sâm dễ bị thối củ và chết do đó đồng bào chờ đến khoảng tháng 10 - 11, khi thời tiết khô hơn, trong rừng không còn ẩm ướt mới bắt đầu mùa trồng mới.
Khi việc trồng sâm dần trở nên phổ biến, vườn ươm cây giống cũng được hình thành nhằm bảo tồn gen cho cây sâm. Đây là những cách làm sáng tạo để chống chuột cắn phá, tiện chăm sóc giúp cây sâm sinh trưởng tốt và phòng kẻ gian.
Từ việc trồng và khai thác cây sâm, rất nhiều hộ dân sống ở khu vực núi Ngọc Linh đã chủ động đầu tư, vay vốn và xóa đói, giảm nghèo thành công. Hàng chục hộ trở thành tỷ phú nhờ trồng cây này.
Nhận thức được nguồn lợi do cây sâm mang lại nên người dân ở đây luôn có ý thức bảo tồn nguồn gen quý của cây sâm Ngọc Linh. Việc khai thác cây sâm chỉ thực hiện sau mùa thu hoạch hạt và cây sâm phải trên 5 năm tuổi.
Phát triển kinh tế không quên giữ rừng
Những năm gần đây, nhờ có sự phát triển của khoa học kĩ thuật, nhờ công tác tuyên truyền của nhà nước, nhận thức của bà con dân tộc Xơ Đăng cũng thay đổi rõ rệt. Bà con biết giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng và khai thác sâm; biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư, phát triển cây sâm hiệu quả.
Việc trồng và khai thác sâm Ngọc Linh hoàn toàn được làm thủ công, vừa để bảo vệ rừng nguyên sinh, vừa giữ được chất lượng sâm tốt nhất. Người dân quyết không chặt phá rừng, không đốt rừng làm nương rẫy bởi họ biết rằng nếu không còn rừng già thì cũng chẳng còn “bảo vật núi rừng” giúp họ xua tan đói nghèo.
Nhận thức được giá trị của việc bảo vệ rừng, phát triển kinh tế từ cây sâm, đồng bào nơi đây đã coi cây sâm Ngọc Linh là cây thế mạnh để làm giàu chính đáng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vốn để nghiên cứu, trồng, chăm sóc và chế biến sâm Ngọc Linh. Đây chính là cơ sở để khẳng định sâm Ngọc Linh sẽ phát triển bền vững, là cây giúp xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào và góp phần nâng tầm thương hiệu cây sâm Việt Nam trên trường quốc tế.
Quỳnh Trang
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/sam-ngoc-linh-mon-qua-nui-rung-can-duoc-bao-ton-va-phat-trien-a5245.html