Ngày Quốc tế Người khuyết tật (NKT) do Chương trình Thế giới hành động về NKT khởi xướng và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1982. Ngày Quốc tế NKT là một ngày kỷ niệm mang tính quốc tế được thúc đẩy bởi Liên hợp quốc từ năm 1992.
Ngày Quốc tế Người khuyết tật ra đời nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua đó, huy động các hình thức hỗ trợ xã hội nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm: văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế.
Ngày 13/3/2007, Công ước về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với Lời nói đầu và 50 điều, là công cụ luật pháp đầu tiên bảo vệ toàn diện quyền của người khuyết tật.
Đảng, Nhà nước ta cùng toàn thể xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật. Trong đó:
- Luật Người khuyết tật quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010.
- Ngày 21/6/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Quyết định số 1100/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước của Đại hội đồng Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
- Ngày 01/11/2019, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 39-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
- Bộ luật Lao động được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019 có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là NKT.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, công tác người khuyết tật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Một số nơi công tác tổ chức thực hiện pháp luật về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện. Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức người khuyết tật chưa cao, vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật; Huy động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật… để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật.
Hoàng Giáp
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ky-niem-29-nam-ngay-quoc-te-nguoi-khuyet-tat-3-12-1992-3-12-2021-a5312.html