Sáng 2/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ cuối năm, chuẩn bị cho đầu năm và cả năm 2022.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước; tình hình kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng, khởi sắc, tích cực. Chúng ta cũng đang tích cực xây dựng đề án thực hiện chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; đề án phục hồi và kinh tế-xã hội trong điều kiện dịch có Covid-19.
Tuy nhiên, tình hình có những diễn biến đột xuất, như: mưa lũ lớn tại một số địa phương ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tương đối phức tạp.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn tới những gia đình có thân nhân bị nạn trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các đại phương đang phải gánh chịu. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện 1659/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương này.
Phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ cuối năm, chuẩn bị cho đầu năm và cả năm 2022. Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ để thảo luận chất lượng, đi thẳng vào những vấn đề quan trọng.
* Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng khá so tháng trước cả về số lượng (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so tháng trước. Kết quả cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.
Trong tháng 11, cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so tháng 10/2021; so cùng kỳ năm 2020, giảm 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 47,4% về số vốn đăng ký và giảm 36% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so tháng trước và giảm 42,1% so cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 4.958 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so tháng trước và giảm 6,7% so cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.219,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,8 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 3.673,6 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so cùng kỳ năm trước.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/kinh-te-xa-hoi-co-nhieu-diem-sang-khoi-sac-tich-cuc-a5340.html