Làng An Lư thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Tên gọi An Lư có nghĩa là làng yên ổn. Lễ hội đền An Lư hằng năm diễn ra từ ngày 11/11 Âm lịch và có thể kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày.
Thủy Nguyên vốn có tên gọi cũ là Thủy Đường, vốn là vùng đất cổ. Cụ Phạm Viết Trinh là người có công đầu trong việc thăm dò, tổ chức khai phá đất đai lập lên làng xóm An Lư ngày nay.
Ban đầu, sinh sống ở vùng đất này chủ yếu là người của các họ: Bùi, Nguyễn, Vũ, Hoàng, sau này có nhiều người tiếp tục theo đến khai phá đất đai, lập xóm, dựng làng. Chuyển dân cư xuống vùng đất xóm ven sông Cấm được 7 năm, dân làng liên tiếp có nhiều người bị đau ốm. Nhiều người hoang mang, lo lắng tính chuyện quay về chốn cũ làm ăn, sinh sống. Nhưng rồi những người lớn tuổi mới nhớ lại rằng trước đây mỗi khi có bệnh họ có môn thuốc bằng cây cỏ đem sao vàng, hạ thổ, rồi sắc uống. Bài thuốc hay này do chính vị đại danh y Tuệ Tĩnh truyền lại. Mọi người bảo nhau chữa bệnh theo bài thuốc ấy thì quả nhiên dịch bệnh bị đẩy lùi, dân cư được yên ổn. Năm đó, tại khu vực đồng Sim, dân làng lập ngôi đền nhỏ để thờ Ngài.
Trước đây, tại mảnh đất An Lư còn có những công trình di tích khác như miếu Hổ, bến Bút, đình Chung. Tại các di tích cổ này dân làng từng nhiều lần tổ chức nghi lễ liên quan đến việc tuyên tuyền, phổ biến phương pháp chữa bệnh bằng cỏ cây, thảo dược, lưu truyền những bài thuốc hay của vị đại danh y Tuệ Tĩnh. Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt những di tích này đã bị hư hỏng.
Đầu năm 1948, dân làng An Lư đã rước Thành hoàng đại danh y Tuệ Tĩnh về phối thờ tại ngôi đền An Bạch, là nơi dân làng tôn thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các con trai tại vị trí di tích hiện nay.
Pho tượng đại danh y Tuệ Tĩnh được các nghệ nhân dân gian tạo tác vô cùng khéo léo, giàu tính nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tượng tạo gần bằng người thật theo lối tượng tròn, trang trọng trong sắc phục quan văn cuối thế kỷ 19.
Đền An Lư hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, như: hệ thống văn bia đời vua Lê Kính Tông, Lê Hiển Tông, Tự Đức. Ngoài ra, đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như bộ long ngai, thần tượng, hoành phi, câu đối, bộ chấp kinh... có niên đại cuối thời Nguyễn. Đền lưu giữ 7 sắc phong bao gồm 4 sắc phong cho danh y Tuệ Tĩnh; 1 sắc phong cho Trần Quốc Tảng (con trai thứ 3 của Hưng Đạo Vương) và 2 sắc phong cho Đoàn Thượng. Đặc biệt, đền còn lưu giữ Bản huyện từ chung (Chuông của Từ chỉ huyện) được đúc năm Tự Đức 33 (1880).
Tại lễ hội làng An Lư, sau phần lễ dâng hương được tổ chức trang trọng là phần hội với các trò chơi dân gian như chơi đu, chọi gà, cờ tướng và thật thiếu sót nếu không kể đến hát đúm nam nữ - một di sản văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Hoàng Linh (tổng hợp)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ve-thuy-nguyen-du-le-hoi-an-lu-nghe-hat-dum-a5490.html