Phạm Đức Cường sinh ra và lớn lên ở Giao Thủy, một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định, nơi sông Hồng đổ ra biển qua cửa Ba Lạt. Tuổi thơ của anh gắn bó với cá, với biển, với ruộng lúa, vườn rau, với những cánh đồng muối lớn đẹp nhất miền Bắc.
Những món ăn từ thời thơ ấu của bà, của mẹ, của những người phụ nữ chân quê nơi đồng sâu muối mặn vẫn in sâu trong ký ức anh mà không sơn hào hải vị nào sánh bằng. Rồi những tháng ngày vào Nam công tác, anh mê luôn các món cá Nam Bộ và muốn đóng góp chút công sức nâng tầm giá trị cá basa, lươn, cá chình, cá kèo… bắt đầu bằng đa dạng cách chế biến.
Các ý tưởng chế biến món ăn dân dã với nguyên liệu sẵn có khắp ba miền đất nước không chỉ xuất phát từ sở thích và ký ức tuổi thơ mà còn xuất phát từ trăn trở của anh: “Làm sao để người nông dân tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp? Làm sao đánh thức được niềm tự hào của người Việt về các món ăn đồng quê?”
Ban đầu, anh Cường nghĩ đến món cá kho kiểu xưa và bắt tay vào xây bếp, làm lò ủ. Các món cá bống, cá diếc, cá trạch xương nhừ thịt dai kho cả chục giờ đồng hồ từng làm không ít người phải trầm trồ, khen ngợi.
Không phải là “dân” cơ khí, nhưng anh mê tìm tòi, sáng tạo. Dưới bàn tay khéo léo, sự hiểu biết và trí tưởng tượng của mình, anh chế tạo ra lò xông khói, bếp ủ trấu tiết kiệm nhiên liệu. “Cái lò xông khói mình sáng chế ra thì cho nhiều người làm theo. Ai cũng bảo mình đi đăng ký bản quyền, nhưng mình chia sẻ một cách thoải mái, càng nhiều người dùng mình càng vui” – anh Cường vui vẻ nói.
Cuộc sống ngày càng hiện đại. “Làm thế nào để chế biến ra các sản phẩm tươi ngon, tiện dụng, phù hợp với những người bận rộn? Làm thế nào để không mất đi các chất dinh dưỡng quý của thực phẩm trong quá trình chế biến? Làm sao để trẻ em thích ăn cá?”... đó là những câu hỏi mà anh Cường tìm mọi cách để trả lời.
Anh bắt tay vào làm sản phẩm cá ủ xì dầu UNISEA, cá ướp mắm tiêu với cách chế biến cực nhanh, không tanh, tiện lợi và dù là khách hàng ở nhà phố hay nhà chung cư cũng không sợ kho cá xong nhà có mùi tanh. Unisea cập nhật hàng chục cách chế biến từ cá ủ xì dầu, cá ướp mắm tiêu phù hợp với khẩu vị ba miền, trong đó phải kể đến: cá rô phi ủ xì dầu tẩm bột chiên giòn, cá basa phi lê sốt cà chua, cá basa phi lê chiên bơ tỏi, cá basa phi lê nấu canh chua, cá basa phi lê nấu chuối, cá basa phi lê nhúng lẩu chua cay… Anh Cường tâm sự: “Mình mong mọi người ai cũng ăn được ngon mà cách chế biến phải thật đơn giản, bình dân chứ không cần sang chảnh, cầu kỳ.”
Người dân chăn nuôi ra được con cá, con lươn ngon sạch cần phải bán được nhiều thì đời sống mới khấm khá lên được. Khách hàng thì không phải ai cũng có thì giờ để chế biến các món với nhiều loại nguyên liệu. Vì vậy, anh Cường lại tìm cách để nghĩ ra loại nước sốt tiện dụng mà người nội trợ chỉ cần cho vào cá thịt, lươn trạch… đã làm sạch để ướp, nấu trong thời gian ngắn là có món ăn trọn vị.
Đầu năm 2021, anh Cường mang đến “Phiên chợ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa” món bánh chưng, bánh tét nhân cá basa. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và nguyên liệu tươi ngon, món bánh truyền thống này vừa đẹp, vừa lạ khiến ai cũng thích thú. Nhân bánh không bị xơ, thịt cá và mỡ cá quyện với nhau lại không hề tanh do được khử bởi phương pháp lên men yếm khí, giá cả lại phải chăng nên được rất nhiều bà con ủng hộ.
Phạm Đức Cường mê ăn cá, mê làm cá, ngủ cũng nghĩ đến cá. “Bạn bè thường nói: Nếu tôi là ông thì tôi đã giàu từ lâu. Nhưng người ta ko biết mình đang giàu về hạnh phúc gia đình, giàu vì có nhiều bạn bè và được bà con nông dân tin yêu.”
Khi được hỏi về dự định sắp tới, anh Cường cười hóm hỉnh: “Chờ mình thêm thời gian ngắn nữa nhé! Có cái này hay lắm!” Tôi biết mà, đời nào anh đã chịu dừng lại.
Lại Giang (Ảnh: NVCC)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nguoi-dan-ong-dat-bac-me-che-bien-ca-nam-a5644.html