Phát huy vai trò hợp tác xã liên kết theo chuỗi

Nhờ phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín, nhiều hợp tác xã tại Hà Nội phát huy vai trò nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế tập thể khu vực nông thôn, tạo nguồn lực giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết hợp tác xã theo chuỗi giá trị.

Mô hình nuôi thỏ theo chuỗi khép kín của Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ).

Được thành lập năm 2020, mô hình nuôi thỏ của Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, điển hình của Hà Nội được triển khai theo chuỗi khép kín. Giám đốc Hợp tác xã thỏ Việt Nhật Lâm Thị Hương cho biết, với diện tích 1ha, hợp tác xã đang nuôi 700 con thỏ nái và 50 con thỏ đực để phối giống. Trung bình mỗi tháng, hơn 4.000 thỏ con được sinh ra và được nuôi trong vòng 45 ngày thì xuất bán. Hợp tác xã đang xuất bán thỏ thương phẩm 3 lứa/tháng, trừ các khoản chi phí, hợp tác xã thu gần 100 triệu đồng tiền lãi. "Mô hình nuôi thỏ của hợp tác xã được thực hiện theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số kỹ thuật. Trên các lồng nuôi đều có bảng theo dõi cụ thể từng con; thỏ được đánh mã vạch và quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Phía Nhật Bản xây dựng kế hoạch chăn nuôi - tiêu thụ nên hợp tác xã luôn yên tâm về đầu ra", bà Lâm Thị Hương chia sẻ.

Tương tự, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cũng là mô hình điểm sản xuất theo chuỗi khép kín. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường thông tin, hợp tác xã đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm. Nhờ đó, đến nay, doanh thu của hợp tác xã ổn định với mức hàng tỷ đồng/năm.

Đánh giá về hoạt động của các hợp tác xã theo chuỗi giá trị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, toàn thành phố hiện có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các hợp tác xã theo chuỗi đang đóng góp nguồn lực rất lớn cho kinh tế khu vực nông thôn, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

"Để nhân rộng các mô hình hợp tác xã theo chuỗi, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các quận, huyện, thị xã trong đánh giá tình hình hoạt động hợp tác xã nông nghiệp, đề xuất các chỉ tiêu, nội dung; rà soát, đề xuất kinh phí thực hiện nội dung hỗ trợ kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã thành phố trong quá trình tham gia góp ý vào Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã giai đoạn 2021-2025", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại... thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, trong đó, ưu đãi hỗ trợ thuế, miễn giảm tiền thuê đất, đào tạo nghề cho lao động, quảng bá sản phẩm; quy hoạch và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu...

Theo Báo Hà Nội mới

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phat-huy-vai-tro-hop-tac-xa-lien-ket-theo-chuoi-a5705.html