Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ở Hà Nội: Gỡ ''rào cản'' để phát triển

Trong quá trình, dồn điền, đổi thửa, Hà Nội đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại, các ngành chức năng và địa phương của thành phố cần tập trung tháo gỡ một số “rào cản” để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững, kết hợp và góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thành phố Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa, cây cảnh. Trong ảnh: Trồng hoa lan tại Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao F-FAME (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Lợi ích đã rõ nhưng còn khó khăn

Theo Sở NN&PTNT, hiện Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao là hơn 15.600ha, cây ăn quả gần 7.400ha, rau an toàn gần 3.000ha, chăn nuôi xa khu dân cư hơn 700ha, nuôi trồng thủy sản hơn 6.900ha…

Đặc biệt, trên địa bàn thành phố đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng 25-30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng sản xuất rau an toàn đạt từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm; vùng trồng hoa, cây cảnh đạt 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đạt 1-2 tỷ đồng/ha/năm...

Sau dồn điền, đổi thửa, các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức... đã tích cực chuyển đổi, hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, Thanh Oai đã có vùng sản xuất lúa trên 6.000ha; vùng cây ăn quả 428ha; vùng chăn nuôi xa khu dân cư 71,14ha... cho giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu từ thực tế phát triển.

Tuy nhiên, việc phát triển các vùng sản xuất chuyên canh vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ông Đặng Văn Bẹt ở thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết, khu chuyển đổi sản xuất đa canh của thôn đã hình thành từ năm 2012, ngay sau khi địa phương dồn điền đổi thửa, nhưng đến nay hạ tầng phục vụ sản xuất vẫn chưa hoàn thiện. Giao thông nội đồng vẫn là đường đá cấp phối, mỗi khi trời mưa thì lầy lội, phương tiện khó vào thu mua nông sản.

“Rào cản” khác với các vùng sản xuất chuyên canh của Hà Nội là xây dựng thương hiệu cho nông sản và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Duy Toản là chủ trang trại chăn nuôi quy mô 15.000 con gà tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa) nhìn nhận, do chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm trứng gia cầm nên năm nào trang trại cũng gặp vài đợt sản phẩm khó tìm được “đầu ra”, phải bán dưới giá thành sản xuất.

Chăm sóc bưởi Diễn tại vùng chuyên canh cây ăn quả của xã Kim An (huyện Thanh Oai)

Lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới

Trước những khó khăn, hạn chế trên, ngành Nông nghiệp, các đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững các vùng nông nghiệp hàng hóa. Ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác là gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vừa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho hay, huyện Ứng Hòa đã xác định gần 10.000ha đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết để hình thành các "cánh đồng lớn"; đồng thời khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp, hợp tác xã. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sản xuất, huyện sẽ ứng dụng công nghệ cao để tạo năng suất, giá trị lớn, mang tính ổn định.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, huyện sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề nhằm cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành tư duy thị trường… Liên quan đến vấn đề hạ tầng cho các khu chuyên canh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, từ nguồn lực xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông nội đồng trọng yếu.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ "đầu ra" cho sản phẩm. Đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực như chuối, bưởi, nhãn… quy mô hơn 20.000ha; rau màu là hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh là hơn 9.000ha... Hà Nội cũng tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá (diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như trắm đen, cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh)…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ tiếp tục bố trí tăng nguồn ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành Nông nghiệp Thủ đô; xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng chuyên canh, lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Theo Báo Hà Nội mới

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/xay-dung-cac-vung-san-xuat-nong-nghiep-hang-hoa-tap-trung-o-ha-noi-go-rao-can-de-phat-trien-a5804.html