Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc (tháng 12 năm 2019) đến nay dịch vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó có ngành thủy sản.
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới lĩnh vực thủy sản nói chung…
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong vòng 75 năm qua kể từ Thế chiến thứ Hai. Đại dịch này là khủng hoảng y tế toàn cầu, tác động đến kinh tế rất nghiêm trọng. Nhiều bộ phận trong cỗ máy kinh tế của hầu hết các nước đã dừng hoạt động hoặc gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, trong đó có ngành thủy sản.
Đối với lĩnh vực thủy sản, theo đánh giá ban đầu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), 64% người được khảo sát từ cơ quan quản lý nghề cá cấp vùng cho rằng dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác, bảo quản sản phẩm khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu sản phẩm thủy sản cho thị trường nội địa giảm 55%, cho thị trường xuất khẩu giảm tới 82% do các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội ở các quốc gia trên thế giới.
Nghề cá quy mô nhỏ trên thế giới là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng, đặc biệt là ở các cộng đồng ven biển và tạo việc làm cho 90% ngư dân toàn cầu, gần 50% thủy sản trên thế giới đến từ nghề cá quy mô nhỏ. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nghề cá quy mô nhỏ này gần như sụp đổ vì phải đóng cửa một trong những thị trường thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, SARS-CoV-2 đã làm cho nghề cá của Indonesia giảm 70% nguồn cung hải sản cho khách sạn, nhà hàng và 40% cho tiêu thụ hộ gia đình. Ở Malaysia, nhu cầu hải sản từ nhà hàng, khách sạn đã giảm 30% do tỉ lệ công suất sử dụng phòng khách sạn giảm từ 60% năm 2019 xuống còn 33% từ tháng 01 đến tháng 8/2020.
… Và đối với ngành thủy sản Việt Nam
Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 3,8 triệu tấn, giải quyết sinh kế cho hơn 1 triệu ngư dân lao động trực tiếp với hơn 4 triệu lao động gián tiếp; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,54 tỉ USD, giá trị sản xuất đạt gần 43,5 tỉ USD. Năm 2020, mặc dù có những thời điểm tăng giảm thất thường vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 8,6 tỉ USD, có tăng trưởng dương so với năm 2019.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu tác động của Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế xã hội ở nước ta nhưng còn ít nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid-19 đến lĩnh vực thủy sản. Kế thừa và sử dụng dữ liệu từ các công trình nghiên cứu đã công bố, các báo cáo thống kê về Covid-19 và các ảnh hưởng của nó đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có thủy sản; cùng với thực hiện các phương pháp nghiên cứu, thảo luận, phỏng vấn online… kết quả nghiên cứu (từ tháng 01– 07/2021) đánh giá ảnh hưởng của Covid19 đến hoạt động quản lý nghề cá ở Việt Nam cho thấy:
• Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý. Trong đó, nhận định của nhà quản lý cho rằng hoạt động giải quyết hồ sơ nghề cá, chế biến thủy sản, xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng tiêu cực đến rất tiêu cực; tần suất tàu cá cập và rời cảng giảm;
• Hoạt động theo dõi, kiểm soát và giám sát (MCS) trên biển giảm 10-30% so với kế hoạch;
• Các kế hoạch tuyên truyền và đào tạo cho ngư dân phần lớn phải hoãn, hủy và chuyển sang năm sau do Chính phủ áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tiếp xúc để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Một số kiến nghị
Do sử dụng hình thức khảo sát online có thể có hạn chế nhất định khi khó khăn trong giải thích để đối tượng khảo sát hiểu chi tiết về bảng hỏi và câu hỏi nghiên cứu. Đồng thời, có thể chưa bao quát hết được các lĩnh vực hoạt động của cơ quan quản lý nghề cá, ở đây là Chi cục Thủy sản, cũng như chưa nghiên cứu rộng hơn ở khía cạnh ngư dân. Bởi vậy, trong phạm vi bài viết này, xin chỉ dừng lại ở một số giải pháp trên cơ sở đánh giá ban đầu như sau:
Để quản lý nghề cá sớm đi vào ổn định, cần ưu tiên phủ vaccine ngừa Covid-19 cho cán bộ nghề cá thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bà con ngư dân như bộ phận một cửa, đăng kiểm viên…; đồng thời, có chính sách hỗ trợ vốn, giảm lãi suất vay ngân hàng, giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân và các chủ thể liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 và 2021. Cơ quan quản lý cần tăng cường ứng dụng công nghệ số để i) giải quyết thủ tục hành chính, tránh làm gián đoạn xử lý hồ sơ cho ngư dân; ii) tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo hình thức trực tuyến; iii) tin học hóa thủ tục hướng dẫn và cấp phép ra vào cảng cá, tạo thuận lợi cho tàu thuyền trong việc tiếp cận dịch vụ hậu cần.
Cần có nghiên cứu sâu hơn đến tất cả lĩnh vực hoạt động của cơ quan quản lý nghề cá, đồng thời đánh giá tổng thể và toàn diện tác động của đại dịch SARS-CoV-2 đến ngành thủy sản, hướng tập trung đến đối tượng là ngư dân và cộng đồng ven biển, chẳng hạn như: tần suất tàu cập, rời cảng cá; tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính theo các phương thức nộp hồ sơ ở cơ quan quản lý nghề cá để có giải pháp quản lý hiệu quả hơn.
Trích đăng theo: Tô Văn Phương (2021). Ảnh hưởng của Covid-19 đến quản lý nghề cá ở Việt Nam: Đánh giá ban đầu từ khía cạnh quản lý [online], truy cập ngày 22/12/2021, Link: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/11/tap-chi-so-12.2.12.pdf.
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/anh-huong-cua-covid-19-den-nghe-ca-o-viet-nam-danh-gia-ban-dau-tu-khia-canh-quan-ly-a5944.html