Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) có vai trò rất quan trọng trong các Viện nghiên cứu, vừa là chức năng, là nhiệm vụ sống còn, vừa góp phần tạo nên thương hiệu của một Viện nghiên cứu khoa học. Nắm bắt được việc ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu là một yêu cầu cấp bách hiện nay, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư về nhân lực và máy móc thiết bị nhằm rút ngắn thời gian thực hiện nghiên cứu, giảm nhân lực, tăng độ chính xác và hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ nghiên cứu vào thực tiễn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và nghiên cứu hoa học. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực NCKH.
Trong những năm qua, hoạt động NCKH trong lĩnh vực lâm nghiệp đã tạo được nền tảng cơ bản để có thể tiếp cận và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những chuyển biến tốt cho các nghiên cứu viên. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các nghiên cứu viên giành lợi thế trên các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc nâng cao và phát triển các chuỗi giá trị.
Viện đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ bằng việc cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn trong nước và quốc tế thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu, như: “Tập huấn quản lý nền tảng đào tạo trực tuyến của VietED”, các lớp tập huấn về GIS, Drone…
Về thiết bị, máy móc phục vụ công tác nghiên cứu: Viện đã trang bị nhiều hệ thống thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng nhằm mục tiêu đưa ứng dụng kỹ thuật số vào quản lý và thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu nhằm quản lý bảo vệ rừng bền vững. Viện trang bị bộ thiết bị flycam và phần mềm đọc dữ liệu nhằm phục vụ việc theo dõi, lưu giữ các dữ liệu về rừng…
Tuy còn gặp những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn kinh phí,… nhưng với sự năng động, sáng tạo và khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn, thúc đẩy hoạt động NCKH trong Viện: (1) Mở rộng các hoạt động tìm kiếm công việc ở các nguồn/tổ chức khác nhau trong và ngoài nước nhằm tăng kinh phí cho các nhiệm vụ NCKH; (2) Có chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích các cán bộ nghiên cứu như: tăng cường khen thưởng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ NCKH có những ý tưởng đột phá phù hợp với kỷ nguyên số, mang lại hiệu quả và có tính ứng dụng cao; (3) Thay đổi phương thức đề xuất các nhiệm vụ khoa học sao cho bám sát Chiến lược phát triển ngành, Đề án cơ cấu ngành, các chương trình trọng điểm của Bộ, nhu cầu thực tiễn của ngành và thực tiễn sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động KHCN gắn với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghiên cứu giống, bảo vệ rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản. Triển khai xây dựng các nhiệm vụ NCKH theo các chương trình lớn ứng dụng công nghệ số, mang tính tổng hợp và theo chuỗi giá trị hướng đến các sản phẩm nổi bật ngay từ khi xây dựng thuyết minh nhiệm vụ. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Xây dựng các nhiệm vụ KHCN ứng dụng công nghệ số có sự tham gia nghiên cứu của chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KHCN tiên tiến trên thế giới để nâng cao hàm lượng khoa học cho các dự án.
TS. Nguyễn Bảo Ngọc