Nghiên cứu mới trên động vật cho thấy, biến thể Omicron dường như gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Tuy nhiên mức độ lây lan lại nhanh hơn...
Có rất nhiều nghiên cứu quan sát biến thể Omicron trong môi trường phòng thí nghiệm trên động vật trong tháng qua. Họ đã làm lây nhiễm Omicron vào các tế bào trong đĩa Petri và sau đó làm lây nhiễm sang động vật. Sáu nghiên cứu đã phát hiện ra Omicron nhẹ hơn so với biến thể Delta và các biến thể trước đó.
Tiến sĩ Michael Diamond, nhà virus học tại Đại học Washington và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, điều này thật đáng ngạc nhiên, vì mọi biến thể khác đều cho thấy lây nhiễm mạnh mẽ cho những con chuột hamster này.
Trước đó, một nhóm lớn các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ đã công bố một báo cáo về nghiên cứu trên chuột, cũng phát hiện những con chuột bị nhiễm Omicron ít có nguy cơ tử vong, và ít tổn thương phổi hơn.
Trong khi Omicron hiện diện trong mũi của chuột hamster giống như ở động vật bị nhiễm một biến thể trước đó của COVID-19, nhưng nhóm của Diamond nhận thấy mức Omicron trong phổi chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn mức của các biến thể khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nghiên cứu được thực hiện trên động vật không phải lúc nào cũng được lặp lại ở người.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác đã thu thập thêm thông tin về loại virus này bằng cách sử dụng các mẫu mô được lấy từ đường hô hấp của con người trong quá trình phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu của Đại học Hồng Kông đã nghiên cứu 12 mẫu phổi, phát hiện ra rằng Omicron phát triển chậm hơn so với các biến thể trước đó.
Mặc dù điều này có thể làm sáng tỏ lý do tại sao những người bị nhiễm Omicron dường như ít phải nhập viện hơn những người nhiễm biến thể Delta, nhưng câu trả lời vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác minh kết quả.
Omicron có hơn 50 đột biến di truyền. Một số đột biến có thể cho phép coronavirus bám chặt hơn vào tế bào (như nghiên cứu trước đây đã chỉ ra), và một số đột biến khác có thể khiến nó né tránh các kháng thể.
Khi coronavirus đến phổi, các tế bào miễn dịch có thể phản ứng quá mức, không chỉ tấn công các tế bào bị nhiễm mà cả những tế bào không bị nhiễm bệnh. Chúng cũng có thể tạo ra tình trạng viêm nhiễm, gây tổn thương phổi, tạo sẹo phổi và di chuyển vào máu, gây ra các cục máu đông và làm tổn thương các cơ quan khác.
TS Ravindra Gupta, nhà virus học tại Đại học Cambridge cho biết, Omicron dường như không phát triển mạnh trong phổi có thể do một protein được gọi là TMPRSS2 (trong các tế bào phổi) không cho Omicron bám dính tốt. Điều đó có nghĩa là Omicron không lây nhiễm hiệu quả vào các tế bào này mạnh mẽ như Delta. Điều này cũng đã được phòng thí nghiệm của Gupta và một nhóm từ Đại học Glasgow phát hiện ra một cách độc lập.
Tuy nhiên TS Diamond nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng TMPRSS2 là chìa khóa để hiểu về Omicron. Và các nghiên cứu vẫn chưa trả lời được tại sao biến thể này lại có khả năng lây lan rất nhanh như vậy.
Giải thích cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho biết, Omicron có thể có nhiều hơn trong nước bọt và đường mũi của cơ thể. Biến thể này cũng có thể ổn định hơn trong không khí hoặc lây nhiễm tốt hơn cho các vật chủ mới.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tim-ra-manh-moi-tai-sao-nhiem-trung-omicron-lai-nhe-hon-a6206.html