Là một quốc gia sản xuất lương thực nổi tiếng thế giới, Ukraine được mệnh danh là "kho lương thực của châu Âu". Tuy nhiên, cách làm nông nghiệp của Ukraine khá kỳ lạ. Các tập đoàn lớn ồ ạt xuất khẩu lương thực và sản phẩm nông nghiệp mà không hề “quan tâm” thị trường trong nước.
Ukraine được thiên nhiên ưu đãi với những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Đất nước này sở hữu nhiều đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Đặc biệt, 1/3 diện tích đất đen “tchernoziom” màu mỡ của thế giới tập trung tại đây là điều kiện rất thuận lợi để nông nghiệp Ukraine phát triển, cho năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao.
Ngoài ra, Ukraine nằm trong vùng khí hậu ôn đới lục địa mang tính ổn định với lượng mưa lớn (khoảng 1200mm/năm) thuận lợi cho canh tác nông nghiệp lâu dài. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Ukraine đã từng sản xuất ra hơn ¼ sản lượng nông nghiệp của Liên Xô (cũ) và là nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới. Tiêu biểu như lúa mỳ, Bộ Nông nghiệp Ukraine đưa ra con số: tính tới ngày 24/12/2021, ước tính nước này xuất đi 24,2 triệu tấn lúa mì, tăng gần 3,26 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2020. Ukraine cũng được điểm rất cao trong Chỉ số an toàn lương thực toàn cầu (GFSI) với 98,4 điểm trên thang điểm 100.
Có một nghịch lý, dù Ukraine là nước xuất khẩu nhiều lương thực nhưng ngay trong nước lại thiếu hụt tới 185.000 tấn lương thực (năm 2021). Người dân thiếu lương thực dẫn đến việc giá lương thực “leo thang”. Đầu tháng 12/2021, giá lúa mỳ tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020. Giá của các loại lương thực khác như: bắp cải, cà rốt, hành tây... đều tăng hơn 40%. Từ đó một hệ quả tất yếu xảy đến khi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc chỉ ra, năm 2021 Ukraine có 11,1 triệu người đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, là một trong những nước thiếu lương thực nghiêm trọng nhất châu Âu.
Nền nông nghiệp của Ukraine bắt đầu tụt dốc kể từ khi Liên Xô sụp đổ nhưng dần được phục hồi vào cuối những năm 90 và thập niên đầu của thế kỷ 21. Trong những năm gần đây và đặc biệt trong năm 2021, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến giá nông sản tăng mạnh. Một mặt, tỉ giá đồng UAH (Hryvnia Ukraina) so với đồng USD khá cao: 1 USD có thể đổi được 27,28 UAH. Đồng Đô la Mỹ tăng liên tục, khiến các tập đoàn xuất khẩu lương thực ra sức xuất khẩu để thu ngoại tệ và quay trở lại nộp thuế, trả lương... và họ cũng kiếm được những món kếch sù nhờ chênh lệch tỉ giá giữa đồng UAH và USD.
Các doanh nghiệp lớn vì lợi nhuận khổng lồ, ra sức xuất khẩu khiến cho thị trường trong nước không đủ nguồn cung, phải nhập khẩu. Từ đó gây ra một vòng lặp cho nông nghiệp của Ukraine: lương thực làm ra nhiều nên các doanh nghiệp đua nhau xuất khẩu, vì thế nông sản trong nước thiếu hụt dẫn đến giá lương thực tăng phi mã.
Ngoài ra, tình hình chính trị của Ukraine bất ổn trong khoảng chục năm gần đây dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp không còn được quản lý chặt chẽ dẫn đến bị đình trệ. Một ngành kinh tế thiếu sự quản lý chặt chẽ cộng thêm việc các tập đoàn kinh tế liên tục dồn sức cho xuất khẩu khiến cho nền nông nghiệp của Ukraine rơi vào khủng hoảng và dẫn đến nghịch lý: đất nước mạnh về xuất khẩu lương thực nhưng người dân trong nước lại thiếu lương thực.
Chử Cường
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/hien-tuong-sieu-xuat-khau-nong-nghiep-cua-ukraine-a6379.html