Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, việc bảo đảm nguồn hàng dồi dào, không biến động về giá đang là vấn đề trọng tâm được Bộ Công thương và các địa phương, doanh nghiệp chủ động triển khai. Đến nay, lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết đã được các doanh nghiệp chuẩn bị với nguồn cung khá dồi dào, đa dạng các mặt hàng và mức giá không biến động so năm trước.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự kiến sức mua tháng giáp Tết Nguyên đán có thể không tăng so cùng kỳ, nhu cầu người dân chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tập trung dự trữ những mặt hàng truyền thống trong nước với chất lượng bảo đảm, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú.
Không lo thiếu hàng, sốt giá
Theo thông lệ hằng năm, hàng hóa phục vụ thị trường Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: nước mắm, dầu ăn, thực phẩm khô, thịt tươi sống gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến sẵn, bánh mứt, kẹo, xăng dầu,... Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn cung. Ghi nhận tại một số siêu thị bán lẻ lớn trên địa bàn TP Hà Nội như: GO!, Big C, Vinmart, Co.op mart, Hapro mart nhận thấy, lượng hàng hóa tại đây đang khá dồi dào.
Phần lớn các quầy kệ thực phẩm tươi sống, hải sản, đồ uống, đồ khô, bánh kẹo đều rất đa dạng chủng loại, mẫu mã bắt mắt. So với năm ngoái, giá các mặt hàng đều ổn định, thậm chí đang được áp dụng giảm giá từ 10% đến 15% để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài khiến người dân dần thắt chặt chi tiêu. Theo đó, giá mặt hàng thịt lợn tại các siêu thị chỉ dao động trong khoảng 135-150 nghìn đồng/kg, bưởi da xanh giảm còn khoảng 35 nghìn đồng/kg, bia Hà Nội giá chỉ còn 255 nghìn đồng/thùng 24 lon; cùng với đó đa dạng các giỏ quà Tết với mức giá từ 300 nghìn đến 1,2 triệu đồng tùy loại.
Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, chuỗi hệ thống siêu thị GO! và Big C đã chuẩn bị số lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết năm 2021. Toàn hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp cũng chuẩn bị đủ các loại rau quả tươi sống nhằm phục vụ nhu cầu người dân. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 7.000 sản phẩm được áp dụng khuyến mại, đồng thời GO!, Big C cam kết với khách hàng không tăng giá với hơn 10 nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang,... áp dụng cho cả khách mua tại siêu thị và mua trực tuyến. Cùng với đó, năm nay hệ thống siêu thị Big C, GO! đều đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua mạng xã hội, đường dây nóng để giúp người dân có thêm kênh mua sắm mà không phải trực tiếp đến siêu thị nhằm hạn chế tập trung đông người tại cùng một thời điểm, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Với các doanh nghiệp sản xuất, đến nay lượng hàng dự trữ khá dồi dào, do đó có thể khẳng định giá các mặt hàng sẽ không có sự biến động. Hiện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đang dự trữ 2.800 tấn nguồn hàng thực phẩm tươi sống, 4.200 tấn các mặt hàng thực phẩm chế biến (tăng khoảng 4% đến 6% so cùng kỳ). Ngoài ra, Vissan cũng chuẩn bị khoảng 1.000 tấn thịt heo đông lạnh nhằm đề phòng khi có biến động về nguồn thịt, doanh nghiệp sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt. Riêng mặt hàng rau, củ, quả thường bị “làm giá” trong những ngày sau Tết, do đó Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Bình Lê Tuấn Hùng cho biết, công ty đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng bằng việc thu hoạch rau xen kẽ, tránh tập trung ồ ạt đưa ra thị trường dịp trước Tết, đồng thời dự trữ dồi dào các loại thực phẩm rau củ đóng hộp, hoa quả, đặc sản vùng miền để phục vụ thị trường Tết trong tuần cao điểm nhằm cân đối cung cầu.
Kiểm soát chặt thị trường
Nhìn chung, hàng hóa dự trữ tại các địa phương phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khá đa dạng và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú, do ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 kéo dài, khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nhất là đối tượng công nhân cho nên có thể sức mua, nhu cầu tiêu dùng sẽ có phần hạn chế hơn nhiều so với năm trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất đều tăng lượng hàng dự trữ, kỳ vọng sức mua sẽ tăng hoặc bằng cùng kỳ năm trước. Vì thế, càng gần đến “giờ G”, các doanh nghiệp càng phải thận trọng, theo dõi sát các diễn biến của thị trường, có kế hoạch cụ thể để kịp thời “ứng biến” với bài toán cung-cầu, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần liên tục tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giữ trật tự ổn định thị trường Tết.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhận định, cuối năm và dịp Tết Nguyên đán thường là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh, đây cũng là dịp hay xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Để kiểm soát tốt thị trường dịp Tết Nguyên đán, Tổng cục đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các địa phương yêu cầu mở các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ ngày 1/12/2021 đến 15/2/2022.
Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và bảo đảm ổn định thị trường phục vụ nhu cầu Tết cho người dân.
Việc quản lý, giữ ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm cao của các cấp ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân mua sắm trong dịp Tết. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp linh hoạt, chủ động, bám sát diễn biến thị trường; thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để điều chỉnh phù hợp nhu cầu mua sắm thực tế của người dân nhằm vừa giữ bình ổn mặt bằng giá vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông. Sự chủ động của các doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng mới có thể góp phần giúp thị trường dịp Tết lành mạnh hơn, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp người dân yên tâm đón Tết Nguyên đán an toàn, tiết kiệm, vui tươi.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/on-dinh-thi-truong-hang-hoa-dip-tet-a6521.html