Giảm 16ha rừng phòng hộ để khai thác đá ở núi Thị Vải: Khiếu nại đất đai kéo dài

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có nhiều mỏ khoáng sản đang khai thác. Theo phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng số điểm mỏ quy hoạch là 50 điểm mỏ, tổng diện tích hơn 1.326ha.

Một bãi mỏ khai thác khoáng sản tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Bên cạnh việc góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế cho địa phương cũng như cung cấp nguyên vật liệu cho các tỉnh thành khác, hoạt động khai thác khoáng sản đôi khi vẫn tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống người dân. Thậm chí là xuất hiện việc khai thác trái phép, trong các dự án khai thác có những mâu thuẫn trong việc giải quyết bồi thường đất đai kéo dài.

Đơn cử vụ tố cáo của 1 doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là việc ông Hoàng Long (GĐ Công ty Nguyên Hoàng - TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi đơn đi nhiều cấp chính quyền và cơ quan pháp luật tố cáo hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi và chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án khai thác mỏ đá xây dựng Lô 14A núi Thị Vải của Công ty CP Phú Đức Chính.

Đơn tố cáo của ông Long

Thanh tra tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từng có văn bản (tháng 6/2018) về việc này và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để thanh tra dự án mỏ đá Lô 14A theo nội dung đơn tố cáo của công dân. Tuy nhiên nhiều năm nay vẫn chưa thấy kết luận rõ ràng.

Theo nội dung khiếu nại, ông Hoàng Long cho biết, ông có 17ha đất tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (nay là Thị xã Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mua lại của những người canh tác từ trước năm 1993, được chính quyền địa phương xác nhận và có giấy tờ hồ sơ thể hiện việc kê khai, nộp thuế phí từ năm 1993.

Đất này nằm trong vùng đã được quy hoạch khai thác đá xây dựng nên năm 2009, Công ty CP Nguyên Hoàng gửi văn bản xin chủ trương đầu tư dự án khai thác đá với quy mô 25ha (Công ty Hải Châu góp vốn 8ha).

Cũng theo khiếu nại, ông Hoàng Long cho biết Công ty CP Phú Đức Chính mới được thành lập năm 2009. Cổ đông Công ty này gồm: ông Phạm Quang Đức (con trai của ông Phạm Quang Khải – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Phạm Phong Phú (lái xe nhiều năm của ông Khải) và ông Phạm Văn Chính. Doanh nghiệp này mới thành lập đầu năm thì cuối năm đã xin khai thác mỏ.

Sau nhiều tranh cãi, đến tháng 5/2011, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có Quyết định chấp thuận cho Công ty CP Phú Đức Chính được khai thác mỏ. Đến cuối năm 2014, tỉnh quyết định cho Công ty Phú Đức Chính thuê hơn 19,5ha đất (đợt 1) tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (nay là TX Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đầu tư khai thác chế biến đá xây dựng Lô 14A núi Thị Vải. Trong đó, một số là thu hồi của người dân, 2ha của xã quản lý và 13ha do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc cho phép Công ty Phú Đức Chính được khai thác mỏ đá xây dựng lô 14A núi Thị Vải, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành

Vào tháng 01/2012, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho phép giảm 16ha rừng phòng hộ theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT để cho Công ty CP Phú Đức Chính thực hiện dự án khai thác đá. Ông Hoàng Long cho rằng: Việc thu hồi đất giao cho Công ty Phú Đức Chính rất khó hiểu. Đây là đất rừng phòng hộ được xác định theo chương trình 327 của Chính phủ. Việc không bồi thường cho người dân nhưng lại giảm rừng giao đất cho doanh nghiệp liệu có phù hợp quy định pháp luật? Ông không hiểu lý do gì nhiều phần đất canh tác mà ông đã nhận chuyển nhượng lại bị biến thành đất rừng phòng hộ và đất công thổ. Kết quả là ông chỉ được đền bù đất theo giá rẻ mạt.

Văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép giảm diện tích rừng phòng hộ thuộc mỏ khai thác đá của Công ty Phú Đức Chính

Ông Hoàng Long cho rằng, việc cấp phép cho Công ty Phú Đức Chính cũng là không công bằng. Bởi lẽ Công ty Nguyên Hoàng là doanh nghiệp có đất sẵn ở xã Tóc Tiên và có thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác. Trong khi đó, công ty Phú Đức Chính không có một mét vuông đất nào tại khu vực mỏ đá lại được ưu ái cấp phép khai thác. Theo nguyên tắc, Công ty Nguyên Hoàng phải được ưu tiên cấp phép khai thác. Trong khi đó, Công ty Phú Đức Chính được chỉ mới thành lập chưa có kinh nghiệm trong khai thác mỏ. Công ty Hoàng Long cũng là doanh nghiệp nộp đơn và hồ sơ trước nhưng lại bị “ngâm” hồ sơ.

Một điều khó hiểu là theo một biên bản ông Long cung cấp, lần đầu ông được công ty Phú Đức Chính đền bù 5,8ha, một thời gian sau Công ty Lê Chính đến gặp ông thương lượng đền bù tiếp 5,4ha với số tiền hơn 10 tỉ đồng (chứ không phải Công ty Phú Đức Chính – chủ mỏ đá). Nội dung là chuyển nhượng đất để thực hiện dự án khai thác mỏ đá Lô 14A của doanh nghiệp, nhưng lại được chi trả theo tư cách cá nhân các ông Lê Thanh Bình, Lê Văn Chính, Trần Đức Thanh, bà Phạm Thị Phương Thi.

Ngoài ông Long, còn nhiều người cũng khai hoang canh tác ở đây đã rất nhiều năm nhưng không được chủ mỏ đá bồi thường đất. Một trong số đó là ông Phạm Thanh Phương (quê Nam Định) vào Tân Thành, Bà Rịa khai hoang canh tác từ trước năm 1990. Ông Phương cũng đã gửi đơn đi nhiều cơ quan pháp luật tố cáo nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Theo tài liệu, năm 2017, Thanh tra Chính phủ nhận được đơn và có văn bản hướng dẫn ông Long gửi đơn về UBND huyện Tân Thành để được giải quyết theo thẩm quyền. Tháng 3/2018, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chuyển đơn đến UBND huyện Tân Thành. Tháng 12/2018, sau khi nhận đơn của ông Hoàng Long tố cáo ông Phạm Quang Khải (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy), Ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản chuyển đơn đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Tháng 5/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo phối hợp các sở ngành liên quan rà soát tham mưu UBND tỉnh giải quyết khiếu nại của ông Long. Đến ngày 28/5/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường lại có văn bản gửi UBND tỉnh trình bày rằng đây là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh và kiến nghị UBND tỉnh giao cho Ban Tiếp công dân tỉnh xem xét tham mưu UBND tỉnh ban hành thông báo thụ lý, quyết định thụ lý hoặc không thụ lý vụ việc khiếu nại của ông Long. Gần đây nhất, ông Hoàng Long gửi đơn lên Đoàn Công tác số 3 - Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng.

Phiếu trả đơn khiếu nại của Thanh tra Chính phủ

Theo thông tin xác minh tại UBND xã Tóc Tiên, vụ việc khiếu nại tố cáo của ông Hoàng Long diễn ra nhiều năm, đã có nhiều cuộc làm việc của chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết luận giải quyết cuối cùng.

Đây không phải là vụ việc tranh chấp duy nhất liên quan đến khai thác mỏ đá tại địa phương giàu tài nguyên này. Mới đây là vụ việc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu bị hàng loạt báo chí phản ánh chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về cấp phép khai thác đá nhưng vẫn khai thác rầm rộ tại khu vực mỏ đá Tóc Tiên (ấp 4, khu 2, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) khiến chính quyền địa phương đau đầu.

Liên quan đến rừng phòng hộ, cách đây ít ngày, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa kiểm điểm nhiều lãnh đạo, cán bộ tham mưu ẩu, lấy đất rừng cấp cho dân để hưởng đền bù trong dự án quốc lộ 56 - tuyến tránh TX. Bà Rịa (nay là TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có một đoạn đi qua địa bàn xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ).

Nhóm PV

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/giam-16ha-rung-phong-ho-de-khai-thac-da-o-nui-thi-vai-khieu-nai-dat-dai-keo-dai-a6607.html