Tại nhiều tỉnh phía Nam, tình trạng tồn đọng nông sản đang diễn ra do không xuất khẩu được theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thực tế này một lần nữa cho thấy, để tiêu thụ nông sản của các tỉnh phía Nam thì cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa, tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và mở rộng thị trường, tìm cơ hội mới cho xuất khẩu.
Người trồng thua lỗ
Những ngày đầu tháng 01/2022, trên nhiều tuyến đường của Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện những điểm bán trái cây giá rất rẻ. Đơn cử, mít Thái, thanh long, dưa hấu… đều có giá khoảng 8.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với giá bán trong siêu thị. Chị Trương Thu Sương, một người bán hàng trên đường Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức) giải thích, đây là trái cây “giải cứu” cho bà con vùng trồng ở các tỉnh phía Nam không xuất được hàng theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Tại nhiều nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận, giá thanh long thu mua tại chỗ với trái tròn, đẹp chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, trong khi phải bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg mới đủ chi phí sản xuất. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Huỳnh Cảnh cho biết, trên 80% sản lượng thanh long của địa phương là hướng đến xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng nay việc xuất khẩu bị ngưng trệ, khiến trái cây dồn ứ ngay tại vườn.
Còn tại Long An, tình trạng ứ đọng thanh long cũng đang diễn ra, ước tính đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ lên đến 26.000 tấn. Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh, 90% số này dự kiến xuất sang Trung Quốc bằng đường bộ, nhưng nay phải tạm ngưng. Tỉnh cũng đã chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển, nhưng chi phí quá cao do thiếu container lạnh. Trong khi đó, tại Bến Tre, giá bưởi da xanh từ 40.000-50.000 đồng/kg, nay tụt xuống còn 10.000-12.000 đồng/kg cũng bởi một lượng lớn bị tồn đọng do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Bà Huỳnh Thị Út, trú tại xã Qưới Sơn, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Với mức giá này, người trồng thua lỗ nhiều”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng, ngoài lý do phía Trung Quốc siết chặt việc kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu theo chính sách Zero Covid, phía bạn còn ngày càng khắt khe hơn trong nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch. Đây là vấn đề đã được cảnh báo vài năm qua, nhưng vẫn chưa được các nhà vườn và thương lái chú ý. Để có thể xuất khẩu chính ngạch, người trồng phải thay đổi phương thức canh tác sao cho nông sản đạt chuẩn với yêu cầu cao hơn.
Cần giải pháp đồng bộ
Bình Thuận đang là “thủ phủ” thanh long của cả nước với tổng diện tích chuyên canh hơn 32.000ha, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm. Để tìm đầu ra bền vững cho loại nông sản độc đáo này, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đang khuyến khích các bên phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thanh long sấy khô, sấy dẻo, sản xuất các loại nước ép thanh long, làm bánh, mứt, kẹo... Ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các bên để vừa đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường trong nước, vừa mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch”.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, địa phương cũng đã có nhiều năm bị tồn đọng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Để thay đổi, tỉnh đã khuyến khích và hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái... Hiện đã có hơn 977ha xoài tại các vùng chuyên canh của tỉnh được cấp mã vùng xuất khẩu sang những thị trường khó tính và 4.228ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc ổn định. Nếu có kho lạnh trữ hàng đủ tiêu chuẩn, lượng hàng xuất khẩu sẽ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, thực tế tại nhiều địa phương xuất khẩu nông sản lớn phía Nam cho thấy, việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP còn gặp khó khăn do cần vốn lớn. Đơn cử như tại Bến Tre, nông dân trồng bưởi da xanh phải đầu tư 200 triệu đồng/năm cho 1ha khi áp dụng các tiêu chuẩn này. Nếu không được bao tiêu sản phẩm xuất khẩu, sẽ rất khó để thu hồi vốn. Ngoài ra, lợi thế vận tải thủy nội vùng giá rẻ cho nông sản chưa được phát huy, vì không phù hợp với vận chuyển bằng container. Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, để giải quyết vấn đề này cần sớm hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giúp hàng hóa chất lượng cao tìm được nhiều thị trường xuất khẩu chính ngạch hơn.
Nói thêm về hệ thống kho vận phục vụ nông sản xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, tại các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An…, sản lượng thu hoạch tới 1,4 triệu tấn/năm, nhưng các kho lạnh hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. “Việc xây dựng kho bãi bảo quản, kho lạnh, kho ngoại quan… cho nông sản là yêu cầu cấp thiết để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Báo Hà Nội mới
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tieu-thu-nong-san-cua-cac-tinh-phia-nam-tim-co-hoi-moi-cho-xuat-khau-a6632.html