Thu dịch vụ môi trường rừng tăng 20%

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính chung năm 2021, tiền thu dịch vụ môi trường rừng tăng cao, vượt 20% so với năm 2020, đạt 111% kế hoạch. Trong đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, Quỹ địa phương thu 1.193 tỷ đồng.

dịch vụ môi trường
Năm 2021 đã trồng gần 278.000 ha rừng tập trung, đạt 102,8% kế hoạch - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021, ngành lâm nghiệp đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước, nắm bắt kịp thời thực tiễn, tháo gỡ rào cản, nỗ lực đạt được một số kết quả nổi bật.

Theo kết quả rà soát, cập nhật diễn biến rừng, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2021 ước đạt 42,02%, tăng 0,01% tương ứng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 124/2020/Q14.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện nhiều điểm đột phá so với giai đoạn trước. Đặc biệt là việc quan tâm đến nâng cao chất lượng rừng; quan tâm đến phát triển kinh tế lâm nghiệp: Gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, hấp thu, lưu giữ CO2; phát triển ngành lâm nghiệp theo chuỗi; quan tâm đến nâng cao đời sống của người dân sống làm nghề rừng.

Ông Trị cũng cho rằng, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được ban hành và hưởng ứng trên toàn quốc. Năm 2021 là năm đầu tiên nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Cụ thể, đã trồng gần 278.000 ha rừng tập trung, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với năm 2020; trồng 98,96 triệu cây phân tán, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với năm 2020.

thuế dịch vụ môi trường
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021 đã trồng gần 278.000 ha rừng tập trung, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với năm 2020 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được thành lập

Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 509/QĐ-TTg thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An với diện tích 618 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng chính: Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với công suất 200 triệu cây/năm từ mô và hom với diện tích 48 ha; khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao với diện tích 530 ha; sàn giao dịch, giới thiệu các sản phẩm với diện tích 40 ha.

Đây cũng được kỳ vọng là nơi sẽ thúc đẩy việc chế biến và tiêu thụ lâm sản lớn của cả nước và tạo giá trị cao cho xuất khẩu.

“Trong năm 2021, mặc dù tác động của dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, Tổng cục Lâm nghiệp đã đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình, phối hợp, tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xử lý kịp thời các vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Qua đó, đã giúp các doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất và tăng trưởng ngoạn mục vào giai đoạn cuối năm 2021 để đạt kim ngạch xuất gần 16 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, xuất siêu cả năm đạt gần 13 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020”, ông Trị nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong năm 2021, cả nước thu được 3.115 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, đạt 111% kế hoạch thu năm và tăng 20% so với cùng kỳ.

Ông Trị cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, nền tảng thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia,… ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy thành tựu và kết quả đã đạt được năm 2021, sự chung tay vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc, ủng hộ của các cơ quan báo chí để tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được một số mục tiêu cụ thể như: Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; trồng rừng tập trung 244.000 ha; trồng cây phân tán: 122 triệu cây.

Chỉ tiêu toàn ngành đặt ra việc khai thác gỗ là 31,5 triệu m3, trong đó: Khai thác từ rừng trồng tập trung là 21,0 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà là 5,5 triệu m3; khai thác diện tích cao su tái canh là 5 triệu m3.

Một số chỉ tiêu quan trọng cũng được ông Trị cho biết đó là: Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng nỗ lực đạt 2.800 tỷ đồng; diện tích rừng được cấp chứng chỉ sẽ lên tới 90.000 ha.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thu-dich-vu-moi-truong-rung-tang-20-a6735.html