Ngành mía đường Việt Nam hiện đang giảm mạnh về quy mô. Theo các chuyên gia, việc suy giảm của ngành mía đường trong thời gian gần đây được cho là do năng lực cạnh tranh của ngành thấp, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định ATIGA từ năm 2019.
Sáng 21/1, Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý chỉ ra, nhà máy mía đường và nông dân cần có sự hợp tác đi kèm với sự minh bạch về giá cả, chất lượng mía cũng như chia sẻ lợi ích có được từ cây mía để đưa ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững, tránh sự lệ thuộc vào nhập khẩu trong tương lai.
Tồn tại những bất cập trong liên kết nội địa
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Forest Trends cho biết, ngành mía đường Việt Nam hiện đang giảm mạnh về quy mô. Diện tích trồng mía giảm từ hơn 274.000ha trong vụ 2016-2017 xuống còn gần 151.000ha hiện nay.
Số nông hộ tham gia trồng mía giảm từ 219.500 hộ xuống 126.000 hộ; số nhà máy giảm từ 38 xuống còn 29; sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 770.000 tấn trong cùng giai đoạn.
Nguồn cung không đủ cầu, đòi hỏi hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng đường lớn để bù lượng thiếu hụt. Lượng nhập ngày càng tăng: Năm 2020 lượng nhập tăng gần 340% so với 2019.
Suy giảm của ngành mía đường trong thời gian gần đây được cho là do năng lực cạnh tranh của ngành thấp, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định ATIGA từ năm 2019.
Theo đó các mức thuế nhập các mặt hàng đường giảm xuống còn 0-5%. Mức thuế còn không đáng kể, đã tạo cơ hội cho đường nhập khẩu giá rẻ, bao gồm cả đường nhập lậu, từ Thái Lan tràn vào Việt Nam. Sản xuất trong nước bị thu hẹp.
Thêm vào đó, chuỗi cung nội địa hiện tồn tại một số bất cập. Về khía cạnh chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi, cạnh tranh giữa các nhà máy, và đặc biệt trong liên kết giữa hộ trồng mía và nhà máy chế biến.
Theo Báo cáo về Chuỗi cung ứng ngành mía đường - Thực trạng và một số khía cạnh phát triển bền vững, sự suy giảm về quy mô của ngành còn phải kể đến một số yếu tố nội tại của ngành là nguyên nhân dẫn đến chuỗi cung không bền vững.
Ông Hồ Thành Biên – nông dân trồng mía ở Tây Ninh chia sẻ, trong chuỗi sản xuất đường, nông dân là then chốt nhưng lợi ích nông dân được hưởng rất thấp. Người trồng mía luôn thiệt thòi, không biết thực sự giá trị sản phẩm được bao nhiêu vì các nhà máy không cho biết điều đó.
"Hiện còn nhà máy thu mua mía nguyên liệu chưa đến 1 triệu đồng/tấn. Một tấn mía đem đi đơn vị khác phân tích chênh lệch tới 4-5 trữ đường. Trong khi mía Tây Ninh mà vẫn chỉ được 7 trữ đường", ông Hồ Thành Biên bức xúc.
Ông Hồ Thành Biên cho rằng, các nhà máy tính giá thu mua mía chỉ dựa theo giá đường. Sản phẩm sau đường được bao nhiêu thì các doanh nghiệp không công khai mà nông dân lại không biết được. Nếu các nhà máy cứ lấy lợi nhuận của mình đặt lên hàng đầu thì ngành mía đường sẽ không thể phát triển bền vững.
Minh bạch, chia sẻ lợi nhuận rõ ràng
Để ngành mía tồn tại bền vững, ông Hồ Thành Biên cho rằng, các nhà máy nên minh bạch, chia sẻ lợi nhuận rõ ràng, minh bạch trữ đường để nông dân có niềm tin vào cây mía.
Chia sẻ về hướng khôi phục nguyên liệu mía, ông Võ Văn Lương – Giám đốc Nghiên cứu phát triển Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) cho biết, liên kết với nông dân, nông dân được doanh nghiệp cho vay ưu đãi, hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa bằng cách trồng mía bằng máy; mở rộng hàng mía để bón phân bằng máy, từ đó giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả lên rất nhiều.
Nhờ mở rộng hàng mía nên nông dân có thể trồng xen canh cây họ đậu giúp tăng thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ha, đặc biệt cho những vụ mà giá mía ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc trồng xen canh còn giúp hạn chế một số dịch bệnh trên cây mía.
Để tạo sự minh bạch công ty kiểm tra tạp chất, trữ đường bằng hệ thống đo bằng hồng ngoại nên nông dân rất tin tưởng. Nhờ đó chất lượng mía không ngừng cải thiện. Có nông dân đã bán được mía với giá cao kỷ lục trên 1,2 triệu đồng/tấn. Công ty đã phải chi gần 3 tỷ đồng tiền thưởng nông dân sản xuất mía năng suất, chất lượng cao và không còn nông dân bị phạt do năng suất thấp, ông Võ Văn Lương cho biết.
Bên cạnh việc phải cạnh tranh với cây trồng khác, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, mức độ cạnh tranh của ngành mía đường rất yếu. Nông dân và nhà máy bắt buộc phải có sự liên kết. Câu chuyện minh bạch trữ đường đã tồn tại 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Nhà máy cần có sự quản lý sao cho minh bạch và việc này hoàn toàn có thể được giải quyết nếu áp dụng công nghệ.
Ngoài ra, ông Trần Công Thắng còn cho rằng, phụ phẩm giờ không còn là phế phẩm. Nhiều nhà máy đã có các sản phẩm ra nhiều sản phẩm từ phụ phẩm như điện, phân bón… Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phát huy.
Đồng quan điểm trên, ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, ngành đường tồn tại được phải xác định đa giá trị, chứ không chỉ có sản phẩm từ đường. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số để minh bạch thông tin. Doanh nghiệp nên minh bạch thu nhập từ phụ phẩm chứ không chỉ từ đường. Nếu không có nông dân thì cũng không có các sản phẩm từ phụ phẩm đó.
Với chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, theo ông Đào Thế Anh, ngành đường cần áp dụng công nghệ, minh bạch thông tin hơn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần có vai trò trong việc giám sát, xác định trữ đường.
Ông Đào Thế Anh đánh giá, ngành mía đường Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh với đường Thái Lan. Việt Nam đã có nhiều cây trồng đã có sự canh tranh tốt với Thái Lan nên không có lý do gì ngành đường không cạnh tranh được. Bên cạnh đó, cần thêm các cơ chế, chính sách của nhà nước, các vùng nguyên liệu cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa. Vùng nào sản xuất mía hiệu quả thì cần thúc đẩy. Cùng với đó là khuyến khích nông dân vào hợp tác xã để chuyển giao khoa học công nghệ, cơ giới hóa… và cũng để nông dân có tiếng nói trong chuỗi giá trị mía đường.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/huong-toi-phat-trien-ben-vung-mia-duong-viet-nam-a6878.html