Giải pháp thủy lợi cho những vùng cây ăn quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả ở nước ta đến thời điểm này ước đạt hơn 1,1 triệu ha. Vùng Nam Bộ 505 nghìn ha, chiếm 46% diện tích cả nước. Đứng thứ hai là vùng trung du và miền núi phía bắc hơn 254,2 nghìn ha, chiếm gần 25%...Trong đó, một số địa phương sẽ là vựa cây ăn quả lớn của toàn vùng nếu được chú trọng đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới ổn định, lâu dài.

cây ăn quả
Hồ Lanh Ra ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được khai thác vào mục tiêu cung cấp nước tưới cho vùng trồng cây ăn quả, cây lâu năm tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Trung

Muốn phát triển vùng cây ăn quả quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, nhằm hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, thì quy hoạch hệ thống thủy lợi luôn được xem là cái gốc của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, khiến hạ tầng thủy lợi cho vùng cây ăn quả ở nhiều nơi còn thiếu và yếu.

Yêu cầu nguồn nước khi chuyển dịch cây trồng

Có mặt tại hồ thủy lợi Bầu Lầy, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cùng chúng tôi lần theo hệ thống thủy lợi từ trạm bơm đến các kênh dẫn nước đã được cứng hóa, Chủ tịch UBND xã Trù Hựu Đào Đình Bẩy chia sẻ: Toàn bộ diện tích trồng lúa trước đây của xã giờ chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây màu và cây ăn quả. Do vậy, nông dân phải “đôn” đất nền cao hơn ruộng lúa, cho nên hệ thống thủy lợi cũ trước đây để phục vụ cấy lúa giờ không còn phù hợp.

Trước đó, vào thăm vườn cam cuối vụ nhà ông Trương Văn Long, ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, chúng tôi được biết, gia đình ông Long có 1,5 ha đất trồng cam, cho sản lượng đạt khoảng 25-30 tấn/năm. Để bảo đảm nước tưới cho cây, ông phải đầu tư khoan ba giếng nước ngầm, chi phí khoảng 10 triệu đồng cho mỗi giếng. Ông Long chia sẻ thêm: Hiện tại lượng nước ngầm ở đây đang ổn định. Nhưng về lâu dài thì cần phải có hệ thống nước từ trạm bơm, từ kênh để nông dân chủ động trong sản xuất, phụ thuộc vào nước ngầm rất nguy hiểm, người dân không biết nó hết lúc nào.

Huyện Lục Ngạn được xem là vựa cây ăn quả của tỉnh Bắc Giang, trong đó vải thiều là cây chủ lực chiếm hơn 50% diện tích toàn tỉnh. Địa phương đã chuyển dịch hơn 80% diện tích, từ lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó chủ yếu là cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Phi thông tin: Sản xuất nông nghiệp ở địa phương khá thuận lợi, trong đó yếu tố thổ nhưỡng cũng như lượng mưa khá đều. Nhưng bài toán lâu dài, muốn phát triển cho cây ăn quả quy mô lớn thì việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi rất cần thiết. Trước mắt, những vùng đồi cao, địa phương tính phương án có những bể, ao tích nước tập trung, kết hợp với tưới nước tiết kiệm theo đường ống dẫn từ các giếng khoan.

Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất cả nước. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai 14 dự án hạ tầng thủy lợi với tổng vốn đầu tư hơn 9.247 tỷ đồng; đã có sáu dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, sáu dự án đang thực hiện và hai dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư. Các dự án hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần nâng diện tích chủ động nước tưới toàn tỉnh lên hơn 60%, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nông dân có điều kiện dẫn nước và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm để khai thác hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm và chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa, đất gò đồi, đất trồng cây màu năng suất kém sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: táo, nho, chuối, xoài, bưởi da xanh, mít, bơ trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam.

Ông Đỗ Kim Tùng, ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chuyển 2,5 ha trồng ngô sang trồng mãng cầu, bưởi. Hai năm trước, ông Tùng bỏ ra hơn 100 triệu đồng lắp đường ống dẫn nước từ hệ thống thủy lợi sẵn có tại địa phương để ứng dụng công nghệ tưới phun mưa (tưới tiết kiệm nước) cho cây trồng. Vào thời điểm đầu mùa khô năm 2021, sau đợt thu hoạch quả, ông Tùng lãi hơn 80 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Phước Thành Chamaléa Nhiên cho biết: “Nhờ có nước tưới, giờ mầu xanh tươi tốt của các loại cây ăn quả đã phủ xanh hết những vùng đất dốc, nhiều nhà khấm khá rồi”.

Giải pháp công trình và phi công trình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 274 hồ chứa nước, trong đó các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi được giao quản lý 41 hồ chứa nước vừa và lớn; UBND các huyện, thành phố quản lý 233 hồ chứa nước nhỏ, cơ bản đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, các vùng cây ăn quả và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều hồ chứa nước đã được xây dựng và đưa vào khai thác từ những thập kỷ 70 đến 80 của thế kỷ trước, dẫn tới nhiều công trình đã bị xuống cấp, nên hiệu quả tích nước hạn chế và khó khăn trong công tác quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn công trình. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng chia sẻ: Thủy lợi là đa mục tiêu, ngoài bảo đảm tưới tiêu cho cây lúa thì còn phục vụ cho các lĩnh vực khác. Chúng tôi có chính sách về vùng cây ăn quả bền vững, có đề án cho giai đoạn 2022-2025 đã được tỉnh phê duyệt, trong đó quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm bơm để phục vụ cho vùng cây ăn quả một cách quy mô, bài bản trên toàn tỉnh.

Tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), nhờ hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu, nông dân nơi đây đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng rất nhanh. Người dân đẩy mạnh việc trồng khoảng 100 ha cây trồng cạn, cây màu ngắn ngày thay cho cây lúa, đem lại năng suất và thu nhập cao gấp 2 đến 4,5 lần so với trồng lúa. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết: Để triển khai đồng bộ các dự án hạ tầng thủy lợi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nguồn nước cho các ngành, các lĩnh vực, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét bố trí vốn kịp thời các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tưới tiết kiệm nước gắn với sử dụng hệ thống đường ống áp lực đem đến sự đổi mới trong tư duy, cách làm thủy lợi ngay trên những vùng có tiềm năng về diện tích nhưng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp thông thường và khó khăn cho phát triển thủy lợi theo cách truyền thống như vùng đất dốc vùng đồi núi, đất cát ven biển, sa mạc và hoang hóa. Những kết quả này tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng đất dốc, đất cát, sa mạc hóa, hoang hóa.

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến năm 2020, diện tích cây trồng có hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt khoảng 529.000 ha, vượt khoảng 6% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra, ước đạt khoảng 16% diện tích cây trồng cạn cần tưới. So với diện tích canh tác cây trồng cạn hiện nay (khoảng 7.195.000 ha), mới đạt khoảng gần 8%.

Nói về giải pháp công trình và phi công trình thủy lợi giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Giải pháp chuyển nước cũng đã được tính đến, tức là chúng ta cần tính đến đường ống dẫn nước, trục dẫn nước, nhưng do điều kiện địa hình, nên trước mắt là dẫn liên vùng, liên tỉnh. Ngoài tích nước, dẫn nước còn giải pháp phi công trình, tức là sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm (khoảng 60 tỷ m3), chúng ta đang khai thác dưới 10 tỷ m3. Nguồn nước này tự bổ sung, tuy nhiên khai thác sẽ có mấy vấn đề đang đặt ra: khai thác bừa bãi, gây sụt lún, cạn dòng, hạ mực nước, và ô nhiễm tụt xuống theo mạch ngầm, vì ở dưới đất dòng chảy cũng như trên bề mặt. Ngay khai thác dưới đất cũng phải có quy hoạch”.

Để ngành thủy lợi phục vụ hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có; ổn định sản xuất và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực tập trung, có giá trị và thị trường, góp phần hình thành chuỗi giá trị nông sản chất lượng cho thị trường. Giải pháp về thủy lợi cần được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, đầu tư hoàn thiện mạng lưới hạ tầng, kể cả giải pháp công trình và phi công trình, nhằm phục vụ các vùng chuyên canh cây ăn quả giá trị cao, cũng như cây trồng cạn của cả nước.

Theo Nhân dân

 

 

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/giai-phap-thuy-loi-cho-nhung-vung-cay-an-qua-a6888.html