Từ điều kiện địa lý, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đưa giống bò mới vào sản xuất, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để chăn nuôi con bò phát triển bền vững, các địa phương, đơn vị còn nhiều việc phải làm.
Bà Trương Thị Kiểm ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình bà đang nuôi 6 con bò sữa, bán được sữa với giá bình quân 11.000-14.000 đồng/lít. Chăn nuôi bò sữa vất vả nhưng ổn định, không biến động như chăn nuôi lợn, gà... Còn hộ ông Đặng Đình Hậu ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) đang nuôi tổng đàn khoảng 100 con bò thịt giống BBB. Đây là giống bò cho năng suất, chất lượng cao, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, lãi 350 triệu đồng/năm. “Nếu như trước đây, bò thịt truyền thống cho lãi 5-6 triệu đồng/năm thì các giống bò lai cho lãi 8-10 triệu đồng/con”, ông Hậu chia sẻ.
Nói về chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn thành phố thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tổng đàn bò của toàn thành phố có hơn 130.000 con, trong đó, đàn bò sữa gần 15.000 con, còn lại là bò thịt. Vài năm trở lại đây, khi mà chăn nuôi lợn, gà bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì một số địa phương như: Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa... nông dân chuyển sang chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt bò, sữa bò của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển, năng suất thịt và sữa các giống bò tại Hà Nội còn hạn chế. Với bò thịt 36 tháng tuổi, khối lượng trung bình tại các nước phát triển đạt 700-800kg/con, tại Hà Nội đạt 450-600kg/con. Sản lượng sữa bò bình quân tại các nước phát triển đạt 6.000kg/chu kỳ/con; tại Hà Nội, bình quân đạt 4.900kg/chu kỳ/con. Vì vậy, vấn đề đặt ra của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng tại Hà Nội là cần nâng cao năng suất để tiệm cận với các nước có ngành chăn nuôi phát triển. Hiện nay, chăn nuôi bò trên địa bàn thành phố mới đáp ứng 20% nhu cầu tiêu dùng; phần lớn sản phẩm thịt và sữa phải nhập từ nước ngoài.
Để chăn nuôi bò thịt, bò sữa tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Bá Anh - một trong những hộ chăn nuôi bò thịt ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) đề nghị, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng chuồng nuôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kiến thức nuôi bò giống mới, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, thời gian tới, huyện cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương có lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò về giống, kỹ thuật. Bên cạh đó, các hộ chăn nuôi cần đầu tư trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y… để chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Hiện nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, xử lý môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ trong chăn nuôi nói chung và bò thịt, bò sữa nói riêng; đồng thời thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hướng dẫn xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xảy ra đối với bò sữa, bò thịt (lở mồm long móng, viêm da nổi cục...) nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Theo Báo Hà Nội mới
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tap-trung-phat-trien-bo-thit-bo-sua-a6905.html