Xứ Kinh Bắc xưa là một vùng rộng lớn bên bờ Bắc sông Hồng. Nay thuộc các tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang. Vốn là một vùng đồng bằng màu mỡ do phù sa sông Hồng bối đắp lên từ lâu đời, được cư dân người Việt khai phá lập làng xóm từ hàng mấy ngàn năm nay.
Những ngôi làng trù phú lâu đời nằm êm đềm bên dòng sông, dưới lũy tre xanh là một hình ảnh cảnh quan quen thuộc, phổ biến. Làng tôi, đó hầu như là câu cửa miệng của người dân nơi đây mỗi khi trò chuyện với khách phương xa. Nên văn hóa của vùng này có thể nói là văn hóa làng xã, như một đặc thù của văn hóa Kinh Bắc nói riêng và cũng là chung của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.
Văn hóa làng xã Kinh Bắc với những nét phong tục rất đặc sắc thường được thể hiện trong nét ăn ở sinh hoạt thường ngày. Nhưng nó đậm đà và nhiều nét đặc sắc nhất để người ta có thể nhận chân ra nó vào dịp tến đến xuân sang. Như đã nói ở trên, vùng này do phù sa các con sông bồi đắp lên, bởi thế đất đai thường rất tốt tươi. Trải hàng ngàn năm khai khẩn, tôn tạo, bồi đắp, cấy trồng…người dân nơi đây đã tạo ra được những cánh đồng màu mỡ rộng lớn, hầu như có hệ thống tưới tiêu tốt.
Đã thế khí hậu tiểu vùng lại rất thuận hòa mưa gió, có lợi cho việc trồng trọt nên mùa màng thường cho thu hoạch tốt. Cấy cây mạ là thành cây lúa, là được gặt hái. Trên nền tảng nông nghiệp vững vàng như vậy nên kéo theo nhiều ngành nghề thủ công phát triển, đời sống nhân dân khá cao. Do có nền tảng là đời sống kinh tế cao kết hợp với sự ổn định lâu dài của các ngôi làng trong vùng nên các tập tục khi đón tết nguyên đán, một cái tết quan trọng nhất của cư dân trong vùng hồi những năm xưa, trước khi xảy ra chiến tranh được mọi người dân tổ chức rất chu đáo và bài bản.
Với ý nghĩa tết là dịp xum họp, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả nên tại vùng này người ta rất chú trọng việc tổ chức, và đã dần hình thành được các phong tục đón tết cổ truyền khá chi tiết về các mặt. Vật chất và tinh thần. Ăn tết và chơi tết.
Thường thì công việc chuẩn bị đón tết nguyên đán sẽ được người ta chú ý bắt đầu từ khi kết thúc vụ mùa, lúa đã phơi khô quạt sạch đổ vào bồ, rơm đã lên đống ngoài góc sân, gió bắt đầu hiu hiu. Dân làng chẳng ai bảo ai, nhà nào nhà nấy bắt đầu chuẩn bị tích trữ gạo nếp đỗ xanh, dạm nhau đụng lợn. Thường thì độ bốn nhà chung nhau một con. Hoặc khá giả hơn hai nhà ngả một con. Mấy tay đàn ông trong nhà sẽ tranh thủ đánh ít củi gộc ngoài bụi tre hàng rào, phơi khô chất đống để dành nấu bánh chưng. "Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ", đó là câu ca gần như định nghĩa về các món ăn nhất thiết phải có trong dịp tết của người Việt xưa.
Thế nhưng với người Kinh Bắc, là chưa đủ. Thường dịp tết cũng là lúc thu hoạch các sản vật tiêu biểu của làng, của vùng, nên cỗ tết các làng Kinh Bắc thường có thêm các món khác nhau ngoài những giò, chả, gà, lợn, măng miến thông thường. Món mà dân vùng này hầu như làng nào cũng làm đó là nem thính: thịt lợn vai thái nhỏ, trần qua rồi trộn với thính làm từ gạo nếp rang, đỗ tương, đỗ xanh xay bột trộn kỹ, gói trong lá chuối. Ấn tượng về món này đã để lại trong cả thơ của Hoàng Cầm: "Nem bối rối/ lá sung /bay đầy nong…". Những thịt nạc, thịt mỡ thái sợi nhỏ quấn quýt vào nhau trong cái mùi thơm đặc biệt của thính, để trong cái nong to giữa sân được bàn tay khéo léo của các cô thôn nữ vun trộn rồi gói ghém cùng với lá sung tươi, bọc trong lá chuối xanh thành những nắm nem để du xuân uống rượu: "Tay cầm bầu rượu nắm nem/ mảng vui quên hết lời em dặn dò".
Nhưng nói đến cỗ các làng trong vùng Kinh Bắc mà không kể đến cỗ làng Đình Bảng thì là khiếm khuyết lớn. Dù trong vùng này, làng Đình Bảng chưa phải là làng to và có văn vật thứ nhất: "Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Đình Bảng" kia! Thế nhưng riêng mâm cỗ tết thì có lẽ Đình Bảng là nhất. Tác giả xưa đã vài lần được thưởng thức, thế nhưng không thể nhớ hết các món ăn, màu sắc mùi vị để kể lại. Bởi thực ra là quá nhiều món ngon mà mình muốn nếm cho hết, để biết. Nhưng rồi chỉ nhớ nhất món bánh phu thê tráng miệng ngọt ngào đậm đà thơm nức như nghĩa vợ tình chồng của người Đình Bảng mà thôi.
Buổi sáng sớm mùng một tết mà đi trên những con đường làng Kinh Bắc xưa, vốn thường được lát nghiêng bằng gạch chỉ, bạn sẽ cảm thấy một không khí tết rất riêng. Giữa không gian bảng lảng của khói sương mưa bụi ngày đầu xuân, các cụ ông áo the khăn xếp, chân guốc mộc mặt mũi nghiêm trang thành kính ra đình làng làm lễ đầu xuân kính cáo thành hoàng, cầu ngài phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Còn các cụ bà thường vận nâu sồng, lên chùa thắp hương cầu an. Cầu đức Phật độ trì cho con cháu mạnh khỏe, đi xa về gần được hanh thông mọi sự. Mỗi buổi sáng mùng một tết thủa xa xưa, nghe tiếng trống tế đình làng, vẳng tiếng chuông chùa thỉnh lễ, nghe như đang có hồn thiêng sông núi tổ tiên nước Việt về tết cùng con cháu vậy.
Tết Kinh Bắc không chỉ có ăn. Tết Kinh Bắc phần "chơi" rất được chú trọng. Bởi một khi con người đã được no đủ vật chất, nhu cầu về mặt giao lưu tinh thần, nhu cầu "chơi" sẽ tăng lên. Cái chơi đó, chính là sự đòi hỏi thỏa mãn về mặt tinh thần rất chính đáng của con người ta. Nên tại các gia đình đều chú trọng đến việc trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón xuân: quét dọn nhà cửa sân vườn, trồng cây nêu, mua chậu cúc cành đào và đặc biệt là thế nào cũng đến chợ mua một bức tranh tết của làng Đông Hồ về dán đón xuân. Làng Đông Hồ chuyên làm tranh, họ có một dòng tranh tết rất riêng biệt. Thường thì tết năm nào sẽ có các bức tranh phù hợp cho năm mang tên con vật đó: ví dụ tết năm Sửu- con trâu, sẽ là bức chăn trâu thổi sáo, năm Hợi- con lợn sẽ là đàn lợn âm dương, năm Dậu- con gà sẽ là chú chàng gà trống với bộ lông sặc sỡ đang vươn mình gáy gọi mùa xuân… Những bức tranh được thể hiện bằng những nét vẽ và màu sắc vui tươi, khiến cho người xem cảm thấy rộn ràng phấn khởi trong những ngày đầu xuân, một điềm may mắn.
Nói đến tết, đến xuân Kinh Bắc mà không nói đến lễ hội vùng này thì coi như chưa nói gì về Kinh Bắc. Bởi vùng này đã được mệnh danh là "miền lễ hội". Tết Nguyên đán là mở đầu cho mùa lễ hội kéo dài suốt ba tháng mùa xuân: mở đầu là hội khán hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích ngày mùng bốn tết. Rồi đến hội Lim hội hát quan họ lớn nhất vùng Kinh Bắc, suốt cả mùa xuân các làng trong vùng mở hội làm lễ tế thành hoàng và mời khách thập phương đến cùng vui hội. Hát quan họ, hát trống quân, hát văn hầu thánh, diễn các tích chèo, tuồng…là những thứ không thể thiếu trong các lễ hội của các làng.
Thêm các trò vui như kéo co, đánh đu, bịt mắt bắt dê…Đặc biệt xưa vùng này có rất nhiều xới vật của các làng mở ra trong hội xuân để các đô trong vùng trổ tài. Truyền rằng, đây chính là xới tuyển quân của các võ tướng triều đình xưa lấy người tài sung quân bảo vệ đất nước. Bởi thế trong vùng vẫn lưu truyền tên tuổi nhiều đô vật với những miếng đánh lừng lẫy, khiến cho đối thủ phải lấm lưng trắng bụng trong phút chốc. Thế nhưng đến nay, thật tiếc cái tinh thần thượng võ của vùng này hình như đã phai nhạt đi ít nhiều, các xới vật đã vắng bóng tại lễ hội nhiều làng. Khách du xuân ít nghe thấy tiếng trống vật thúc thùng thùng liên hồi rộn rã nữa…
Tết đến xuân về, nếu có dịp về Kinh Bắc, ngắm cảnh ngắm người nghe hát quan họ và thưởng thức chén rượu nồng nhắm cùng các sản vật quê hương. Rồi cùng nhau du xuân trong cái miên man của mưa bụi phơi phới bay, trong thì thùng trống hội đêm xuân, bạn sẽ cảm thấy lòng mình thanh sạch lại, như trẻ lại. Và cảm nhận như đất trời đang chuyển mình trong vòng quay bất tận của vũ trụ. Mỗi năm lại tươi mới, bắt đầu bằng mùa xuân mới.
Theo Sức khoẻ và Đời sống
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tet-xua-kinh-bac-a7229.html