Ngày Tết, người dân được phép đốt những loại pháo hoa nào?

Hỏi: Ngay những ngày ᵭầu năm mới Nhâm Dần 2022, trên nhiều kênh thông tin, trang mạng xã hội lan truyền đoạn clip (được cho là ghi hình tại xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về việc người dân sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, bán, nhưng lại bị công an хã đến nhà lập biên bản. Sự việc này gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Xin Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp cho biết, pháp luật quy định những loại pháo hoa nào người dân được phép sử dụng để đốt và những loại nào pháp luật cấm người dân sử dụng để đốt.

Tuấn Anh (Nam Định)

Trả lời:

Từ bao đời nay, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh đã gắn liền với văn hóa Tết Việt, và tiếng pháo đã trở thành một phần trong hồi ức văn hóa của mỗi người nhất là vào dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Tết
Hình minh họa. Nguồn: Trithuc.vn

Theo quan niệm của người xưa, tiếng pháo tưng bừng, giòn giã là biểu tượng cho sự may mắn, có tác dụng xua đuổi tà khí, yêu ma, mang lại bình an, hạnh phúc cho mọi gia đình. Nhưng, việc sử dụng pháo không an toàn cũng trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi bởi những mối hiểm họa mà nó mang tới cho sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, ngày 08/8/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Từ đó đến nay, qua 28 năm, Chính phủ đã nhiều lần ban hành các quy định pháp luật cấm người dân không được mua, bán, đốt các loại pháo gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người.

Năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa), có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137/2020/NĐ-CP nêu rõ: nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt pháo nổ và sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo.

Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân, cơ quan tổ chức cần phân biệt rõ pháo hoa nổ và pháo hoa:

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m;

Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kinh trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.

Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Khoản 2, Điều 9, Nghị định 137 quy định: Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.

Áp dụng Điều 17, Nghị định 137 thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa (không có tiếng nổ) trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.

Vậy, theo quy định tại Nghị định 137, các tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi... còn đối với các loại pháo hoa khi đốt gây ra tiếng nổ là pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao vẫn bị cấm. Người dân cần hiểu rõ về quy định này, tránh bị nhầm lẫn.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa (được phép sử dụng) và pháo hoa nổ (không được phép sử dụng); chỉ mua pháo hoa tại các điểm bán được cơ quan chức năng cấp phép. Đồng thời, người dân cần lưu ý, sau khi mua phải nộp lại hóa đơn, chứng từ mua cho công an nơi cư trú và dự định sử dụng (dự định về thời gian, địa điểm). Đặc biệt, chỉ người mua có tên trong hóa đơn và gia đình được sử dụng; tuyệt đối không bán lại, chο, tặng các loại pháo hoa.

Trên đây là giải đáp của chuyên gia Luân Phạm, mọi thắc mắc xin quý bạn đọc liên hệ email: toasoan@sinhthainongnghiep.net.vn

Luân Phạm

 

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ngay-tet-nguoi-dan-duoc-phep-dot-nhung-loai-phao-hoa-nao-a7285.html