Rời bỏ công việc ổn định tại Hà Nội để trở về mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, chị Nguyễn Thị Lê Na – người sáng lập và điều hành thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến và Ecovi – đã đạt được những thành công xứng đáng với nỗ lực mà chị bỏ ra trong suốt một thập kỷ. Trái cam Kỳ Yến trên quê hương Nghệ An lần đầu tiên xuất hiện trên những thị trường “‘khó tính” như Mỹ, Nhật Bản…; tạo ra hy vọng mới cho nông sản sinh thái Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Lê Na sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng cam tại nông trường Xuân Thành (Nghệ An). Chính cây cam của gia đình đã nuôi chị lớn lên, cho chị có cơ hội được ra Thủ đô học tập và làm việc sau này. Hơn ai hết, chị Lê Na hiểu rất rõ những khó khăn của bố mẹ và người nông dân trồng cam tại quê nhà. Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa; có những khi cam bị thương lái ép giá chỉ với 1.000 – 2.000 đồng/kg .
Cuối năm 2013, một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi đúng lúc gia đình chị Na đang gặp khó với bài toán đầu ra, bố mẹ chị đã cất công thuê xe vận chuyển cam từ Nghệ An ra Đông Anh giao cho khách hàng nhưng cuối cùng phát hiện bị lừa khi hàng đã giao mà không thu được tiền.
Bằng các mối quan hệ, chị Lê Na đã đòi lại được 9 tạ cam và bán hết trong vòng 3 ngày, bù lại được tiền xe cho bố mẹ. Thương bố mẹ, thương người nông dân và thương trái cam của quê hương, chị Lê Na đã quyết định từ bỏ công việc tại công ty Honda tại Hà Nội để trở về Nghệ An, dấn thân vào hành trình trở thành một cô nông dân trồng cam từ con số 0 tròn trĩnh.
Chị Lê Na tâm sự: “Tôi là một người ‘tay ngang’ trong lĩnh vực trồng cam”. Không có nhiều hiểu biết về các đặc tính sinh trưởng của cây cam, không có những kiến thức chuyên môn nhất định trong việc canh tác, trồng trọt, thời gian đầu chị gặp rất nhiều những khó khăn. Song, khó khăn lớn nhất của chị đó chính là tìm được một mô hình sản xuất phù hợp, đơn giản cho người nông dân; lại đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Với tâm niệm “muốn bán cam tốt trước hết phải thật am hiểu về nó”, chị Lê Na đã mày mò qua sách báo, Internet, thử nghiệm trồng cam sinh thái, nghiên cứu các quy luật tự nhiên để ứng dụng vào quá trình canh tác giúp xây dựng hệ sinh thái cây cam, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho cây cam. Để giữ được độ tươi ngon tự nhiên của trái cam Kỳ Yến, tạo nên hương vị riêng cho đặc sản quê hương, chị Lê Na đã thay toàn bộ phân bón hóa học được sử dụng trong nông nghiệp trồng cam trước đây bằng các loại phân đạm tự nhiên: phân Ure thay bằng phân cá ủ, phân Kali tổng hợp thay bằng phân ủ từ cây chuối…
Chị Na cho rằng, nông nghiệp theo hướng sinh thái, thuận tự nhiên là nghiên cứu về tính tự nhiên, sinh thái của cây trồng để cố gắng tạo ra môi trường, điều kiện giống với tự nhiên nhất trong một hệ sinh thái đa loài để cây trồng, vật nuôi có thể phát triển tốt, đem lại nguồn nông sản có giá trị cho con người. Chính vì vậy, chị không vội vàng mà nhẫn nại, kiên trì tìm hiểu kỹ về cây cam, nâng niu trái cam quê hương như một món quà của tự nhiên trước khi coi nó là một mặt hàng nông sản.
Sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu và chuyển đổi hình thức canh tác, chị Lê Na đã tạo được niềm tin dành cho người dân trong vùng. Thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến của chị là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An có tổng cộng 10ha cam trồng theo quy trình VietGAP vào năm 2015.
Đến năm 2011, cam Vinh Kỳ Yến đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn như Vinmart, Lotte… Không dừng lại ở đó, chị Na còn giúp người nông dân trồng cam có thêm nguồn thu nhập từ việc sản xuất và bán những sản phẩm khác từ cam như mứt vỏ cam, trà cam, tinh dầu cam…
Sau nhiều nỗ lực đưa trái cam của mình đến với các hội chợ triển lãm nông sản quốc tế, thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến đã dành được sự chú ý của nhiều tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Việc tiếp xúc với những đoàn làm việc đến từ Nhật Bản, châu Âu khiến chị Na nhận ra rằng, tư duy trồng cam của mình còn mang tính “ao làng”, chưa tạo được nhiều giá trị kinh tế cho người nông dân.
Năm 2018, được sự đầu tư của tổ chức Vietnam Silicon Valley, chị Lê Na đã thay đổi hoàn toàn tư duy kinh doanh của mình. Thay vì chỉ đi bán quả cam và các sản phẩm chế biến từ cam, chị đã thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng đóng gói thành quy trình trồng cam sinh thái, tìm cách liên kết hộ nông dân trong vùng, hướng đến xây dựng Làng cam sinh thái ở Nghệ An với diện tích lên tới 500ha. Chị cho rằng, việc kết hợp ngành nông nghiệp với dịch vụ và thương mại sẽ làm gia tăng giá trị nông nghiệp, nâng cao giá thành sản phẩm, giúp đỡ cho người nông dân trang trải cuộc sống.
Năm 2020, chị đã thành lập công ty Cổ phần Nông nghiệp sinh thái Ecovi và hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh ấy của mình với ba mô hình FarmLab, FarmShop và Farm Tour.
FarmLab là hệ thống cập nhật các công trình nghiên cứu về cam: từ quy trình xây dựng, canh tác cho tới các kỹ thuật trồng cam tiên tiến, hiện đại trên thế giới. FarmShop là nơi người dân trong làng bán các sản phẩm từ trái cam; cũng là nơi phô diễn toàn bộ bản sắc văn hoá – lịch sử riêng có của Làng Sinh thái. FarmTour là nơi du khách có thể tham quan, nghỉ dưỡng, đắm mình trong hương hoa cam, từ đó cảm nhận được sự tinh tuý của cây cam.
Các mô hình du lịch kiểu mới sẽ được xây dựng tại Làng cam sinh thái bao gồm du lịch khởi nghiệp, du lịch học tập, du lịch đầu tư, rồi xa hơn nữa là du lịch nông nghiệp nghỉ dưỡng hay du lịch nông sản sinh thái, hứa hẹn đem lại nhiều sự thích thú cho du khách trong và ngoài nước.
Dự kiến khi làng cam sinh thái đi vào hoạt động, tổng doanh thu của cả làng đạt trên 500 tỷ mỗi năm, bằng GDP của cả xã Minh Hợp hiện nay trong khi chỉ chiếm chưa đầy 1/10 diện tích. Mô hình cam sinh thái của chị Lê Na đã giải quyết bài toán lãng phí xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng với mức thu nhập ổn định hơn, thúc đẩy sự phát triển đa ngành tại địa phương.
Không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế cho quốc gia, thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến của chị Na còn mở ra những hướng phát triển đầy hy vọng cho nông sản sinh thái Việt Nam. Năm 2021, thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến đã hoàn thành việc đăng ký mã số FDA, trở thành những quả cam đầu tiên được cấp tấm “hộ chiếu xanh” để vào Mỹ. Cũng trong năm này, mô hình trồng cam Vinh Kỳ Yến cũng được chứng nhận chuyển đổi canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản.
Việc giành được những tấm “hộ chiếu xanh” để xuất khẩu cam tươi và các sản phẩm từ cam vào những thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản… đã chứng tỏ tiềm năng phát triển của cam Vinh Kỳ Yến, đồng thời mở ra những hướng phát triển mới cho nông sản sinh thái Việt Nam.
Thu Phương/Ảnh: Ecovi
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/hanh-trinh-dua-cam-vinh-ky-yen-vuon-ra-the-gioi-a7318.html