Tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên), với diện tích tự nhiên hơn 52 nghìn héc-ta, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 65%, nông dân đã lựa chọn phát triển cây quế là hướng đi phù hợp... Kết quả, sau 5 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 2.250 ha quế. Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng quế. Tại tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều huyện miền núi được coi là trung tâm của cây quế, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể, đồng thời trực tiếp hỗ trợ cơ chế, chính sách, tài chính cho người trồng quế. Theo đó, chính sách nhằm bảo tồn giống quế gốc bản địa, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng quy hoạch trồng quế. Giai đoạn 2018-2025, các địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn được hưởng cơ chế hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu quế áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng quế; hỗ trợ bảo tồn, sản xuất, cung ứng giống gốc quế Trà My, nhất là các hộ gia đình, cá nhân có rừng quế được lựa chọn để chuyển hóa thành rừng giống và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống bảo đảm các quy định về sản xuất giống cây trồng. Các tỉnh khác như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… cũng đang tích cực triển khai hiệu quả đề án phát triển cây quế theo hướng quy hoạch ổn định, bền vững. Huyện Bắc Hà (Lào Cai) hiện có hơn 9.500 ha rừng trồng quế, doanh thu từ quế đạt hơn 300 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng quế, hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế. Hiện nay toàn huyện có 2.400 ha quế hữu cơ, cho năng suất, chất lượng cao. Huyện đã khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Riêng tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, nhờ giá quế tăng cao, đồng bào các dân tộc một số địa phương đã kịp thời chuyển đổi các loại cây có giá trị kinh tế thấp hơn sang trồng quế. Huyện Văn Yên hiện có khoảng 50 nghìn héc-ta diện tích đất trồng quế, mỗi năm xuất bán ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại. Từ cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây quế trở thành cây làm giàu cho nông dân với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/năm. Để phát triển ổn định, huyện Văn Yên đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cây quế cho các xã từ năm 2010. Đặc biệt, từ năm 2020, quế Văn Yên trở thành một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định EVFTA.
Nhận thức được tính cấp thiết của việc phải có tầm nhìn chiến lược và các giải pháp dài hạn cho ngành quế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng và các thách thức, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, nhất là các giải pháp thúc đẩy việc kết nối chuỗi ngành hàng. Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.
Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.
Theo Nhân dân