Trước tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ ở các tỉnh phía bắc gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, thương nhân đang nỗ lực chuyển đổi từ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Ðây cũng được xem là giải pháp căn cơ nhất để phát triển giao thương hàng hóa bền vững với thị trường tiềm năng này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có hàng nông, lâm, thủy sản.
Hãy thay đổi, đừng bỏ lỡ
Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất, nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy khẳng định: Doanh nghiệp hãy thay đổi, đừng bỏ lỡ thị trường Trung Quốc. Bản thân Công ty Chánh Thu đã có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và nhận thấy rõ đây là một thị trường hấp dẫn, còn quá nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng danh mục hàng nông sản xuất khẩu để tăng thị phần. Mặc dù thời điểm từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng ùn tắc xe hàng nông sản diễn ra liên tiếp tại cửa khẩu các tỉnh phía bắc do phía Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà chúng ta nghĩ đến chuyện bỏ qua thị trường này và thay thế bằng thị trường khác. Nhìn sâu vào sự việc thì có thể thấy hàng hóa ách tắc chủ yếu đang được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, trong khi xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường. Với tình hình này, tới đây có thể sẽ không chỉ còn là tình trạng ách tắc nữa mà Trung Quốc sẽ hạn chế thấp nhất nhập khẩu tiểu ngạch, tiến tới bắt buộc các doanh nghiệp nước ta phải chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. "Nhưng đây cũng chính là cơ hội lớn, rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu đi nhanh, đi đúng trong quá trình chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Hiện, Công ty Chánh Thu đang tập trung nguồn lực để đa dạng các sản phẩm trái cây chế biến mà mục tiêu chính vẫn là thị trường Trung Quốc và hướng tới mục tiêu sớm xây dựng thương hiệu trái cây Chánh Thu tại thị trường này"- bà Ngô Tường Vy cho biết thêm.
Nhận định Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính", đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước phải thay đổi để thích ứng, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo Ðiểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam thông tin: Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã có đến 42 thông báo về những thay đổi vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật. Ngoài ra, các cơ quan liên quan của Trung Quốc cũng đã thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%.
Với mức kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng gia tăng như vậy, thì rõ ràng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp thắt chặt xuất khẩu tiểu ngạch, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn như hiện nay. Kể cả đối với những mặt hàng đủ tiêu chuẩn thì khi thực hiện kiểm dịch cũng sẽ mất khá nhiều thời gian, dẫn đến thông quan chậm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng hóa, nhất là các sản phẩm tươi sống. Trong khi đó, nếu đi đường chính ngạch, có hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tính chuyện đường dài
Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là câu chuyện đường dài, bởi lẽ để có một sản phẩm được công nhận có thể các cơ quan chức năng sẽ mất nhiều năm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới ký nghị định thư; các doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký sản phẩm với hải quan Trung Quốc, trong đó yêu cầu hàng hóa phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc... Chính vì vậy, đòi hỏi sự thay đổi nghiêm túc và kiên trì từ nông dân, doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Ðinh Thị Phương Khanh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 217 mã số vùng trồng, riêng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc có 69 mã số. Long An cũng chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, gắn với trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể với mặt hàng thanh long hiện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho nên tỉnh xác định sẽ thay đổi triệt để nhận thức của người dân về thị trường này trên cơ sở tập hợp các doanh nghiệp trên địa bàn để đăng ký xuất khẩu theo quy định tại Lệnh 248, 249 của Trung Quốc. Ðồng thời tổ chức các hội nghị phổ biến quy định xuất, nhập khẩu mới từ phía Trung Quốc, mở các lớp tập huấn cho bà con nông dân để chuẩn hóa quy trình sản xuất.
Về phía các doanh nghiệp, theo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp hơn 1.600 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp muốn duy trì xuất khẩu tiểu ngạch do lâu nay phần nhiều thông qua hình thức giao dịch với thương nhân Trung Quốc qua Việt Nam đặt hàng chứ không phải doanh nghiệp trong nước chủ động tìm kiếm khách hàng chính thống. Vì vậy, mặc dù thời gian qua chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch nhưng con số này vẫn mới chỉ dừng lại ở 30%, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm tới 70%, đồng nghĩa với rủi ro cao cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Tính đến nay, Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Các loại trái cây còn lại chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, trong khi đây là những điểm đang chịu sự kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ từ phía Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thường xuyên bị dừng thông quan. Ðể đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa. Với mặt hàng thủy sản, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng có tiềm năng lớn như: tôm sú ướp đá, thẻ chân trắng ướp đá, sứa ướp muối, hải sâm khô...".
Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng thì điều cần nhất vẫn là sự quyết tâm của người sản xuất và doanh nghiệp, bởi phía Trung Quốc sẽ kiểm tra sát sao, vào bất kỳ thời điểm nào việc thực hiện các quy định từ cơ sở sản xuất, cơ sở đóng gói đến việc tuân thủ điều kiện của các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu để bảo đảm đúng, đủ các yêu cầu thì mới mở cửa thị trường chính ngạch. Có thể thấy, chặng đường đó còn khá dài nên cần những bước chân nhanh, ngay bây giờ, ngay lúc này để Việt Nam giữ vững và tăng thị phần hàng nông sản ở thị trường Trung Quốc.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/day-manh-xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-sang-trung-quoc-a7645.html