Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1,9 triệu dân sinh sống tại khu vực nông thôn, nhưng chỉ có gần 50.000 người trong số này lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, phấn đấu trở thành trung tâm cung ứng giống cho khu vực phía Nam và cả nước.
Những thành quả đáng khích lệ
Theo Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 113.634ha đất nông nghiệp, chiếm 54,23% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp là 65.055,8ha, đất nuôi trồng thủy sản là 10.798,5ha… Khu vực nông thôn của thành phố có dân số trên 1,9 triệu người, trong đó có 50.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và làm muối.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Xuân cho biết, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố trong những năm qua tăng trưởng ổn định với mức bình quân 5,5%/năm, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều loại nông sản, thủy sản... đã được xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Thống kê của Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố hiện duy trì 25 đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, sản xuất được hơn 175,5 nghìn tấn hạt giống; xuất khẩu hơn 2.150 tấn hạt giống các loại. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng đã hình thành 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, cung cấp cho thị trường khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm.
Về chăn nuôi gia súc, thành phố có 28 đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm đa dạng; có 31 cơ sở sản xuất và thuần dưỡng giống thủy sản, cung cấp mỗi năm hàng trăm triệu con giống ra thị trường. Riêng về cá cảnh, trong năm 2021, thành phố đã xuất khẩu được 14,38 triệu con, kim ngạch xuất khẩu hơn 15 triệu USD, chủ yếu sang châu Âu (hơn 51%).
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT thành phố Hồ Chí Minh Dương Đức Trọng, thành phố có nhiều mô hình kinh doanh nông nghiệp tốt, như: Công ty TNHH Phát triển đầu tư Nhiệt đới, chuyên sản xuất hạt giống các loại, doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm; Công ty cổ phần Vườn Mơ, chuyên sản xuất các giống lan, chiếm lĩnh 70% thị phần thành phố Hồ Chí Minh, 30% thị phần các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp thông tin thêm, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu sản xuất khoảng 45.000 tấn giống cây trồng/năm, trong đó có khoảng 4-5 giống mới. Duy trì đàn bò sữa 61.000 con, năng suất sữa đạt 8.000kg/con/năm; duy trì đàn bò thịt khoảng 65.000 con, cung ứng cho thị trường 4.500 tấn thịt bò hơi/năm... Riêng cá cảnh, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sản xuất khoảng 300 triệu con, xuất khẩu 80-100 triệu con.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp một số khó khăn. Đơn cử như việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thì phải xây dựng các công trình phụ trợ, như: Nhà màng, nhà lưới, nhà kho, khu sơ chế, trạm bơm… nhưng theo quy định hiện tại, việc xây dựng những công trình này còn vướng mắc do thành phố hạn chế xây công trình trên đất nông nghiệp.
Tại huyện Củ Chi, dù là địa phương được thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nhưng theo quy định hiện nay, chỉ được xây dựng nhà cấp 4 rộng 15m² để giữ vườn (với điều kiện là phải tiếp giáp với đường giao thông). Diện tích này không thể đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân, vì không đủ chỗ ăn, nghỉ, vệ sinh… Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi Võ Văn Thuận cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị UBND thành phố đề xuất các bộ, ngành trung ương sớm giải quyết vướng mắc này”.
Một vướng mắc khác là ngành Thống kê thành phố hiện vẫn đang đếm số đầu gia súc, số kilôgam thủy sản… trong việc đánh giá về sản xuất nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, điều này chưa phản ánh đúng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử, số liệu thống kê tháng 1-2022 của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh công bố, tổng sản lượng thủy sản trong tháng 1 ước thực hiện 4.447 tấn. “Chúng tôi nuôi cá cảnh, cá giống, một con cá nhỏ nhưng giá trị ngang hoặc hơn 1kg cá thịt, nên thành phố cần thay đổi sang tính theo giá trị sản phẩm, sẽ chính xác hơn”, bà Trương Ngọc Trúc, nông dân xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh chia sẻ.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Thành phố định hướng phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng thúc đẩy nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Những yêu cầu thay đổi, kiến nghị chính đáng phát sinh từ thực tiễn sẽ sớm được giải quyết, tháo gỡ để tạo thuận lợi nhất cho người nông dân”.
Theo Báo Hà Nội mới
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-nong-nghiep-do-thi-hien-dai-a7649.html