Dịch Covid-19 kéo dài với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản. Để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ổn định sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cầu nối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Mong muốn tìm "đầu ra" cho nông sản
Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì) có 9 thành viên với tổng đàn gà là hơn 30.000 con/năm. Gà đồi Ba Vì được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Anh Trương Đức Hoàng, thành viên hợp tác xã cho biết: "Chúng tôi mong muốn gà đồi Ba Vì có thêm cơ hội được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro khi thị trường tiêu thụ chưa ổn định".
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Di Trạch (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Quang, hợp tác xã có vùng chuyên canh ổi 30ha tại Di Trạch và hơn 100ha người dân thuê đất ở các xã lân cận để sản xuất. Sản phẩm đã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP 4 sao năm 2021. Tuy vậy, hiện nay, đa số ổi của Di Trạch vẫn tiêu thụ ở các chợ truyền thống, giá cả bấp bênh; sản lượng ổi được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Người dân trồng ổi mong muốn tìm được "đầu ra" ổn định cho loại trái cây chủ lực của địa phương.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, Hà Nội hiện có 318 làng nghề; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp; trên 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR và có trên 1.500 sản phẩm OCOP. Đây là tiềm năng và tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, mở hướng liên kết, hợp tác giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo "đầu ra" cho sản phẩm có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Phát triển chuỗi giá trị nông sản
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 (từ ngày 7-3, tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức). Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm OCOP đã được các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tới người tiêu dùng. Cũng tại đây, Sở NN&PTNT Hà Nội với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất và các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đã tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản của 19 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong chuỗi sự kiện tại Hội chợ giống, vật tư nông nghiệp, nông sản an toàn và sản phẩm OCOP, làng nghề năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức trao nhận biên bản ghi nhớ về hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp bán lẻ và hợp tác xã sản xuất trên địa bàn thành phố. Theo đó, 8 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp chế biến, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 12 hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, việc ký kết hợp tác liên kết với hai sàn thương mại điện tử Kinhteec và Cadosa giúp đơn vị mở rộng "đầu ra" cho các sản phẩm rau củ quả; hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá, hoặc bị tư thương ép giá khi thị trường biến động. Qua đó, các thành viên của hợp tác xã có thể yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Tương tự, việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng mang lại lợi ích lớn cho các kênh phân phối. Giám đốc tiêu thụ chuỗi nông sản (Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam) Phạm Quang Dũng cho hay, hợp đồng là sự bảo đảm nguồn cung, không chỉ về số lượng mà còn là chất lượng sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp ổn định việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
Hợp tác liên kết sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía là nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối; đồng thời cũng tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn với giá cả phù hợp. Mặt khác, các hoạt động tại hội chợ do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức cũng góp phần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; giúp các chủ thể tiếp cận với công nghệ, xu thế phát triển để từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững...
Những nỗ lực của ngành Nông nghiệp Thủ đô nhằm khôi phục chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những chuyển động tích cực trong thời gian tới.
Theo Báo Hà Nội mới
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tao-cau-noi-lien-ket-trong-nong-nghiep-a7927.html