Để có một nền nông nghiệp tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững, ngành nông nghiệp nói chung và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải xây dựng kế hoạch, lộ trình với quyết tâm cao là làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp lâu nay bằng sản xuất hàng hóa lớn và sản phẩm tạo ra được kết tinh nhiều chất xám, đem lại lợi nhuận cao.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, đòi hỏi Nhà nước cần hỗ trợ hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, tập trung, hiện đại và ổn định lâu dài. Qua đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.
Liên kết theo chuỗi giá trị
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và nông dân đã đẩy mạnh liên kết các sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị lợi nhuận của người nông dân, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp được liên kết chặt chẽ với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản Gò Công, thị xã Gò Công (Tiền Giang) cho biết: HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ gà ta Gò Công, với 30 thành viên, với hơn 100.000 con. Những năm qua, ngành nông nghiệp hướng dẫn vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu gà ta Gò Công. Từ đó, HTX đã ký hợp đồng với nhiều cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ tại Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ với các hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài. Ngoài ra, HTX còn thực hiện các dịch vụ giết mổ, dịch vụ đầu vào, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên.
Tiền Giang hiện có 166 HTX nông nghiệp, thu hút hơn 40.000 thành viên; 320 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, thu hút gần 57 nghìn tổ viên. Tỉnh chọn 10 HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm HTX kiểu mới gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Đến nay, Tiền Giang hình thành được 93 mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục lập dự án xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, như: Xoài cát Hòa Lộc, thanh long, sầu riêng, gà ri, chim cút... Phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang hỗ trợ xây dựng 110 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không kiểm soát được chất lượng, góp phần giúp kết nối phát triển bền vững.
Năm 2021, ông Cao Bảo Quốc, ngụ xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) tham gia vào HTX nông nghiệp Lộc Thuận để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ quả dừa. Hiện tại, hơn 1 ha đất của gia đình ông Quốc đều sản xuất theo chuẩn hữu cơ và ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty dừa Lương Quới, giá cao hơn so với thị trường 3.000 đồng/chục (chục 12 quả). “Khi tham gia vào HTX và sản xuất theo chuỗi, nông dân có rất nhiều thuận lợi từ giá vật tư đầu vào và cả bao tiêu sản phẩm đầu ra”, ông Quốc cho biết thêm.
Bến Tre hiện có 27 HTX, 47 tổ hợp tác với hơn 13.000 ha dừa sản xuất theo chuẩn hữu cơ, trong đó diện tích đạt chứng nhận gần 7.300 ha. Hiện, tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm năm vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung, với diện tích 1.500 ha và một vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20 ha, gắn phát triển chuỗi giá trị. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết: Tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Quá trình liên kết lại với nhau để thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm sẽ giúp người nông dân có giá bán sản phẩm tốt hơn. Đến nay, Bến Tre đã xây dựng được hơn 100 tổ hợp tác, 58 HTX tiêu biểu trong chuỗi các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh, địa phương đang tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào quy hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP, liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng là giải pháp giúp nâng cao thu nhập trong từng nông hộ.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản, thương nhân và doanh nghiệp phải thay đổi ngay phương thức làm ăn từ tiểu ngạch sang chính ngạch, công bố rõ tiêu chuẩn, chất lượng hàng nông sản mà đơn vị mình cần. Nhà nước cần phải quyết liệt và quyết tâm tuyên truyền, hướng dẫn việc tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng. Nông dân cần phải xóa bỏ tư tưởng làm ăn theo kiểu tự phát, thiếu liên kết và phải tuân thủ các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp.
Theo đó, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, ngành sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Muốn phát huy được vai trò của chuỗi giá trị, yếu tố cần và không thể thiếu là cùng với phát huy vai trò của liên doanh, liên kết phải có sự tham gia điều tiết của Nhà nước về cơ chế, chính sách và đặc biệt là phát huy vai trò của liên kết vùng.
Liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố
Với các sản phẩm chủ lực: lúa, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long định hướng sẽ tập trung đầu tư về chiều sâu, thay vì mở rộng diện tích sản xuất như trước đây. Chuyển từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo yêu cầu của thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng và mạnh dạn loại bỏ mô hình sản xuất kém hiệu quả… Để thực hiện những mục tiêu trên các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết chặt chẽ hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp của các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Một trong các giải pháp để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững là phải thực hiện liên kết vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Thực tế cho thấy, những nội dung trong lĩnh vực nông nghiệp mà các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đặt ra là cần phải liên kết: Tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, lưu thông và tiêu thụ nông sản; xác định và hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn theo các tiêu chuẩn bền vững, an toàn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phối hợp trong triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hoàn thiện hệ thống chế biến, hậu cần, vận chuyển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, liên ngành và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng tiểu vùng và giữa các tiểu vùng...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An
Nguyễn Văn Được, đã đến lúc phải có những giải pháp căn cơ chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” để tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Biến nguy cơ thành cơ hội để nông dân thoát nghèo và làm giàu. Bài toán cấp thiết đặt ra là phải làm thế nào để giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Việc lập nhiều quy hoạch riêng lẻ, thiếu liên kết dẫn đến tình trạng quy hoạch không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi và sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc liên kết, liên vùng giữa đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ vẫn mang tính cục bộ, chưa có kết nối tổng thể để tạo động lực liên kết và phát triển. Do đó, Trung ương sớm chủ trì, lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nhìn về một hướng, với nhận thức chung, mục tiêu chung thì mới tạo sự chủ động trong hợp tác, chia sẻ và liên kết. Đồng thời, cần tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và giới nghiên cứu tích cực tham gia vào việc thực hiện các hoạt động liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất... gắn với trách nhiệm của từng địa phương trong vùng.
Nhận định về việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Liên kết vùng không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa “Nhà nước-thị trường-xã hội” kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng sẽ đóng góp chủ động, hài hòa vào tổng thể không gian kinh tế chung.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/doi-moi-tu-duy-trong-san-xuat-nong-nghiep-a8444.html