Dự báo tôm xuất khẩu sẽ có đà tăng trưởng ngoạn mục trong tháng 4/2022. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này nằm ở nhu cầu tôm tại các thị trường trên thế giới tăng cao.
Được biết, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 900 triệu USD trong quý 1/2022. Các chuyên gia dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 4/2022 dự báo sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Động lực giúp người nuôi tôm đẩy mạnh thả nuôi
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vui mừng chia sẻ, nhu cầu tôm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại thị trường châu Âu, thị trường Mỹ và các thị trường cần nguồn thực phẩm cung ứng cho mùa Hè.
Các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này. Do đó, người nông dân sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đà hồi phục của thị trường và nhu cầu của thế giới.
Đặc biệt với Mỹ, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, sự tăng trưởng tốt ở thị trường này đã giúp Việt Nam duy trì được vị trí số 4 trong các nguồn cung tôm chính cho Mỹ.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay, tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhưng với các chính sách ổn định kinh tế của Mỹ, nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.
Do đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam đã nhanh chóng lên kế hoạch sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đặt hàng với nhu cầu của thị trường ngày càng cao trong thời gian tới.
Cầu thế giới tăng cũng là động lực giúp người nuôi tôm đẩy mạnh thả nuôi, cung ứng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Khi nhà nhập khẩu yêu cầu số lượng lớn thì giá tôm nguyên liệu sẽ nhích dần lên, giúp người sản xuất tôm có thêm lợi nhuận.
Nuôi trồng theo công nghệ cao
Để đảm bảo nguồn hàng xuất có chất lượng cao, người nông dân phải đảm bảo khâu nuôi trồng đạt chuẩn. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông Ngư 4/10 tại Sóc Trăng, cho biết:
“Khi thị trường cần, người sản xuất có động lực để thả nuôi và đầu tư công nghệ để sản xuất con tôm chất lượng nhất có thể. Hợp tác xã Nông Ngư 14/10 sản xuất tôm theo tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) châu Âu”.
Theo ông Luận, với tiêu chuẩn này, nguồn nguyên liệu tôm của Hợp tác xã có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số thị trường khó tính khác.
“Cũng chính từ việc trang bị, đầu tư kỹ thuật nên giá bán tôm đạt tiêu chuẩn ASC sẽ cao hơn giá tôm không theo tiêu chuẩn này 4.900 đồng/kg”, ông Luận cho biết thêm.
Chính vì vậy, nhiều nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ nuôi tôm, cung ứng cho xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Thừa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre chia sẻ:
“Từ nguồn thông tin các thị trường khó tính chỉ nhập khẩu con tôm được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống trang bị kỹ thuật để sản xuất tôm theo công nghệ cao”.
Mặc dù vốn đầu tư sản xuất tôm công nghệ cao ban đầu không hề nhỏ nhưng đổi lại, tỷ lệ con tôm đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng được hàng rào kỹ thuật kiểm tra của các quốc gia khắt khe. Quan trọng nhất là được thu mua với giá cao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi tôm cả nước hiện đạt trên 740.000ha; sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú đạt trên 250.000 tấn, đứng đầu thế giới.
Dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm. Yếu tố này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục, có năng suất cao hơn hẳn so với trước. Thị trường khởi sắc cộng với khả năng sản xuất tốt sẽ giúp sản phẩm tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại các nước.
Theo Sputnik
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/xuat-khau-tom-viet-nam-du-bao-tang-20-so-voi-cung-ky-nam-2021-a8603.html