Gần đây, sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa tại tỉnh Bến Tre có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ trồng dừa. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung các giải pháp phòng trừ loài sinh vật ngoại lai gây hại này bằng giải pháp sinh học như phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nuôi ong ký sinh diệt sâu đầu đen…
Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với khoảng 78 nghìn ha, chiếm 50% diện tích dừa của cả nước. Dừa là cây trồng chủ lực nên khi sâu đầu đen xuất hiện, gây hại với diện tích lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người dân.
Sâu đầu đen gây hại lan rộng
Sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa được phát hiện đầu tiên trên địa bàn huyện Bình Đại vào tháng 7/2020 với diện tích ban đầu khoảng 2,4 ha. Đến nay, hầu hết các địa phương trồng dừa trên địa bàn tỉnh đều phát hiện sâu đầu đen gây hại với diện tích gần 1.000 ha. Trong đó, diện tích phục hồi khoảng 300 ha. Nhiều nông dân buộc phải đốn bỏ vườn dừa do bị nhiễm nặng, không khả năng phục hồi.
Xã Hữu Định, huyện Châu Thành bị thiệt hại nặng nề nhất do sâu đầu đen phá hại. Toàn xã có 870 ha dừa thì có tới 170 ha bị sâu đầu đen tấn công. Nhiều nông dân đành đốn bỏ vườn dừa hàng chục năm tuổi, cho thu nhập đều đặn hằng tháng, nhưng giờ xơ xác.
Bà Trần Thị Hoa ở xã Hữu Định cho biết: “Gia đình tôi có 1.500 m2 đất trồng dừa, mỗi tháng thu nhập gần 2 triệu đồng. Mấy tháng nay bị sâu đầu đen tấn công gây thiệt hại nặng không thể phục hồi được nên đành đốn bỏ. Thân cây dừa cao bán để làm cừ công trình với giá vài chục nghìn đồng mỗi cây, còn lại chỉ để làm củi”.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Phan Văn Lộc cho biết, trên địa bàn huyện đã phát hiện 282,5 ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen. Địa phương đang tích cực phòng, khoanh vùng những diện tích bị nhiễm và triển khai biện pháp đặc trị hữu hiệu. Đối với những cây không có khả năng phục hồi thì tiến hành đốn bỏ để tránh lây lan sang các cây khác.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam cho biết, từ tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa tại huyện Bình Đại. Sau đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật liên tiếp phát hiện các vườn dừa bị sâu đầu đen hại dừa tấn công và gây hại lan rộng ra các huyện khác như Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và thành phố Bến Tre. Tính đến nay, tổng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công trên toàn tỉnh gần 1.000 ha.
Từ khi phát hiện sâu đầu đen gây hại, ngành nông nghiệp cùng các ngành chuyên môn của tỉnh nhanh chóng triển khai công tác điều tra, phát hiện và dự báo tình hình gây hại cũng như công tác phòng trừ sâu bệnh. Diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen và lây lan có dấu hiệu chậm lại, dần được kiểm soát. Tuy nhiên, nắng nóng và gió như hiện nay là điều kiện gây hại và lây lan mạnh của loài sâu hại này. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai các biện pháp diệt trừ sâu đầu đen không liên tục khiến nhiều vườn dừa bị tái nhiễm. Một số vườn dừa cao gây khó khăn cho việc phát hiện, phòng trừ…
Diệt sâu đầu đen bằng giải pháp sinh học
Mới đây, tại xã Hữu Định, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã phát động phòng trào diệt sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa bằng biện pháp sinh học. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Lê Xuân Vinh cho biết, các ban, ngành, đoàn thể liên quan sẽ vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân nuôi ong ký sinh diệt sâu đầu đen để thả trong vườn dừa.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phối hợp Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học, an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, bước đầu đã nghiên cứu thành phần thiên địch, đặc điểm sinh học, nhân nuôi và phóng thích thiên địch kiểm soát sâu đầu đen mang lại hiệu quả cao.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết, hiện, đã phát hiện được 10 loài thiên địch để diệt trừ sâu đầu đen ở Bến Tre. Trong đó, một số loài thiên địch hoạt động rất tốt tại một số nước trồng dừa như Ấn Độ, Thái Lan. Quy trình nuôi ong ký sinh đã được chia sẻ, phổ biến rộng rãi xuống các Trạm Bảo vệ thực vật tại các huyện trên địa bàn để phóng thích ra môi trường nhằm diệt sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa.
Tiến sĩ Lê Khắc Hoàng, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh (chủ nhiệm đề tài) cho biết, những năm qua, vườn dừa của tỉnh Bến Tre liên tục bị thiệt hại do bọ cánh cứng, hạn mặn và mới nhất là sâu đầu đen ăn lá đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống của người dân. Người dân cần thường xuyên theo dõi vườn dừa để kịp thời phát hiện sớm khi sâu mới gây hại để liên hệ cơ quan chức năng đưa ong ký sinh xuống thả ngay. Khi vườn bị nhiễm nặng thì giật tàu lá xuống để tiêu hủy rồi phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để diệt sâu đầu đen. Đồng thời, nông dân cần tránh phun thuốc sau khi thả ong ký sinh để đạt hiệu quả cao trong việc diệt sâu đầu đen gây hại vườn dừa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, qua thực tiễn, thả ong ký sinh là phương pháp hữu hiệu và cần được chuyển giao, thực hiện rộng khắp. Mùa mưa là thời điểm để nhà vườn nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả cao, tiêu diệt sâu đầu đen. Ngành nông nghiệp có chủ trương phòng trừ sâu với phương châm bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng sản xuất dừa hữu cơ do các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng thành công nhằm bảo đảm sản phẩm từ dừa đạt chất lượng về an toàn thực phẩm.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ben-tre-tap-trung-phong-tru-sau-dau-den-gay-hai-dua-a8944.html