Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, 4 tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai sẽ sắp xếp lại, tổ chức lại thành các cục. Sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức này nhằm hướng đến tinh giảm bộ máy hành chính và phân cấp hơn với các đơn vị.
Nhằm thực hiện việc đổi mới và tinh gọn bộ máy tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc cải cách bộ máy hành chính không ảnh hưởng đến chức năng và nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT. Những chức năng của Bộ NN&PTNT vẫn được giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát, hoàn thiện để nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ; và phải bảo đảm không được chồng chéo, trùng lặp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ thống nhất với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, gồm tổng số 27 đầu mối, trong đó 21 tổ chức hành chính và sáu đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, đối với 4 tổng cục: Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản; Tổng cục Thủy lợi; Tổng cục Phòng, chống thiên tai thực hiện phương án sắp xếp
Tổng cục Lâm nghiệp: Tổ chức lại thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm.
Tổng cục Thủy sản: Tổ chức lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư.
Tổng cục Thủy lợi: Tổ chức lại thành Cục Thủy lợi.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai: Tổ chức lại thành Cục Phòng, chống thiên tai.
Sáu Cục vẫn được duy trì
Các Cục tiếp tục được duy trì gồm: Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi; Cục Thú y; Cục Quản lý xây dựng công trình; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định.
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ sáp nhập với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục Quản lý chất lượng, chế biến và thị trường nông sản.
Đối với các vụ và Văn phòng, Thanh tra được tiếp tục giữ ổn định; tiếp tục duy trì sáu vụ, gồm: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ và Môi trường, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế; đồng thời sáp nhập Vụ Quản lý doanh nghiệp vào Vụ Tài chính.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đồng ý tiếp tục duy trì ba đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Báo Nông nghiệp Việt Nam; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, một số hai đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được đổi tên gồm: Trung tâm Tin học và Thống kê thành Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp; Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn I thành Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời đưa Trung tâm Khuyến nông quốc gia vào cơ cấu tổ chức của Bộ để xác định rõ đơn vị phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động khuyến nông.
Ngoài ra, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II thành Trường Chính sách công và phát triển nông thôn và không quy định trong cơ cấu tổ chức của Bộ để chuyển sang hoạt động theo mô hình tự chủ và mở rộng phạm vi hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu xã hội. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng không tổ chức phòng trong Vụ.
Trần Thành
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/co-cau-moi-cua-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-a9004.html