STNN - Cây sương sâm là loài cây dược liệu có tính mát, được dùng để ngăn ngừa bệnh táo bón, bảo vệ gan và dạ dày... Ngoài ra, sương sâm còn thường được sử dụng làm thức uống giải khát, bồi bổ và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Loài cây dễ trồng, dễ chăm
Cây sương sâm còn có tên gọi khác là dây sâm lông, dây xanh leo, lá mối, sâm sâm… Loài cây này mọc chủ yếu các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Sương sâm có hai loại: sương sâm lông và sương sâm lá láng (lá trơn), trong đó sương sâm lông được ưa chuộng hơn.
Cây sương sâm thuộc dạng dây leo, có chiều dài đến 5m. Phiến lá hình tim, trên lá có phủ lớp lông mềm. Hoa sương sâm mọc thành chùm, màu vàng và có 6 – 8 nhị. Quả kết thành từng chùm, hình trái xoan, dài 10 - 12mm; khi chín, quả chuyển màu trắng sữa.
Cây sương sâm thích hợp trồng nơi đất cao ráo, được che mát 20 - 30%. Đây là loài cây khỏe, ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên để cây phát triển tốt, cần chọn đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu trồng theo hàng phải đánh luống, làm giàn cho cây leo.
Có thể trồng sương sâm bằng hạt hoặc bằng những cành khỏe hơi già có chiều dài tầm 1 gang tay, trồng với độ nghiêng khoảng 45 độ và giữ ẩm bằng cách tưới nước 2 lần mỗi ngày nhằm tạo độ ẩm cho cây ra rễ. Để cây đủ chất dinh dưỡng và phát triển tốt, cần thường xuyên bón phân hữu cơ cho cây.
Từ lúc dây bỏ ngọn và bắt đầu leo được khoảng 3 - 4 tháng thì có thể thu hoạch được. Sương sâm có thể thu hái quanh năm. Dùng được cả thân, lá và rễ tùy theo mục đích sử dụng. Sau khi hái về có thể dùng tươi hoặc rửa sạch, phơi khô, đóng gói vận chuyển dễ dàng. Lá càng xanh đậm thì sương sâm càng ngon.
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, cây sương sâm có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, tiêu độc; chữa táo bón, đau bụng, chậm tiêu, tiểu tiện khó khăn… Ngoài ra, cây còn được dùng chữa các bệnh lý liên quan đến gan, huyết áp cao do tăng cholesterol hoặc bệnh dạ dày,…
Theo y học hiện đại, ngoài công dụng thanh nhiệt làm mát cơ thể, sương sâm còn giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa táo bón cho phụ nữ mang thai và hỗ trợ giảm cân.
Các nhà chuyên môn khuyến cáo cây sương sâm giúp chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau nhưng không nên lạm dụng bởi vị thuốc này hơi độc, nếu dùng quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thạch sương sâm - món giải khát cây nhà lá vườn tuyệt hảo
Để chế biến món thạch sương sâm chỉ cần qua ba bước đơn giản:
Đầu tiên, chọn hái khoảng 250 gam lá sương sâm có màu xanh đậm, rửa sạch lá dưới vòi nước chảy sau đó ngâm với nước muối pha loãng trong 15 phút rồi vớt lá ra rổ, vẩy cho ráo nước, phơi trong bóng râm.
Tiếp đó, chờ cho lá hơi héo rồi tiến hành vò lá cùng khoảng 2,5 lít nước. Khi vò, phải vệ sinh chậu, tay sạch sẽ. Vò kỹ cho tới khi thấy xơ và gân lá thì dùng rây lọc khoảng 2 lần để lấy nước trong (có thể dùng máy xay sinh tố thay cho công đoạn vò lá nếu bạn không có nhiều thời gian, tuy nhiên thành phẩm sẽ không ngon như cách vò bằng tay).
Sau khi lọc kỹ, cần hớt sạch bọt trong nước sâm rồi đổ vào khuôn và chờ đông ở nhiệt độ thường hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh. Ở bước này, bạn có thể sáng tạo bằng cách đổ nước sương sâm vào các khuôn có hình thù ngộ nghĩnh, vui mắt.
Cuối cùng, bạn chuẩn bị pha nước đường (đường phèn, đường thốt nốt…) độ ngọt tùy thuộc khẩu vị người thưởng thức. Nếu muốn tăng hương vị cho món thạch sương sâm, bạn có thể nấu nước đường cùng lá dứa/lá nếp. Khi ăn, cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, cho vào cốc, chan nước đường và thêm chút đá lạnh để thưởng thức.
Linh Giang
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/suong-sam-vi-thuoc-nam-de-tim-va-tuyet-chieu-giai-nhiet-mua-he-a9237.html