STNN-Ngày 20/5, tại TP.HCM, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học – VFBC) đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ”.
Hội thảo có sự hiện diện của hơn 90 đại biểu đến từ các đơn vị là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng, giám đốc các Vườn Quốc gia, một số doanh nghiệp du lịch ở khu vực phía Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch, có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút du khách. Các khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, lịch sử. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của người dân ngày càng tăng. Việc phát triển du lịch sinh thái ngày càng được trú trọng, nhưng phải gắn liền với việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học”.
Ông Trần Quang Bảo cũng nhận định, trong quá trình triển khai luật Lâm nghiệp và Nghị định hướng dẫn 156/2018/NĐ-CP, mặc dù đã có những tháo gỡ và tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, vẫn còn một số vướng mắc đang tồn tại ở các địa phương, đặc biệt là những cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các Vườn quốc gia.
Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Lâm nghiệp đã tham vấn các địa phương nhằm tháo gỡ, hướng dẫn các trình tự, thủ tục trong quá trình xây dựng các dự án du lịch sinh thái.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề xu hướng “du lịch về nguồn” đang tăng cao, bao gồm cả thị phần khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, trong hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, các ban quản lý rừng, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như: thiếu hướng dẫn về quy định tỷ lệ xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí; các vấn đề liên quan đến những quy định về cấp phép xây dựng, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí; giá cho thuê môi trường rừng chưa tương xứng, chưa phù hợp với chính sách khuyến khích đầu tư phát triển (Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
Các đại biểu cũng đã thống nhất những nội dung sửa đổi, bổ sung nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất. Các hoạt động du lịch sinh thái được tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh, duy trì hoạt động đón và phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí; tiếp tục phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức, cung cấp thông tin cho du khách và kết nối để các đơn vị đưa khách tham quan; hướng dẫn tuyên truyền cho du khách về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng.
Xây dựng, cải tạo các điểm, các tuyến du lịch để tạo sự hấp dẫn cho du khách và luôn chú ý bảo vệ rừng, không làm tổn hại đến cảnh quan và môi trường sinh thái. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở; thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa Ban quản lý với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để có sự đồng thuận, hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên ở khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Bài: Hồng Hà - Ảnh: TCLN
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tao-don-bay-thuc-day-phat-trien-du-lich-sinh-thai-trong-rung-dac-dung-phong-ho-a9465.html