Du lịch chăm sóc sức khỏe - loại hình du lịch hấp dẫn tại Việt Nam sau Covid-19
STNN - Du lịch chăm sóc sức khỏe là sự giao thoa mạnh mẽ của hai ngành công nghiệp lớn và đang phát triển: ngành du lịch và ngành chăm sóc sức khỏe. Sức khỏe toàn diện và phòng ngừa đang ngày càng trở thành trung tâm trong quá trình ra quyết định của người tiêu dùng. Người sử dụng dịch vụ du lịch mong muốn tiếp tục lối sống lành mạnh và thói quen chăm sóc sức khỏe ngay cả khi “xách va li lên và đi”.
Du lịch chăm sóc sức khỏe thường được kết hợp với du lịch chữa bệnh - không chỉ bởi lựa chọn chủ động của người tiêu dùng mà còn trong hoạt động tiếp thị điểm đến. Sự nhầm lẫn đó là do hiểu biết không đầy đủ về các thị trường này, và cách sử dụng thuật ngữ không nhất quán giữa các điểm đến... Đôi khi, thuật ngữ “du lịch sức khỏe” cũng được sử dụng để mô tả nhiều loại dịch vụ và hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe: từ phẫu thuật tim hở và chăm sóc răng miệng đến spa đích và các khóa tu yoga… gây thêm nhầm lẫn.
Trên thực tế, hai lĩnh vực này phần lớn hoạt động riêng biệt và đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Sức khỏe - healthy là một từ không thường được nhắc nhiều trên truyền thông khoảng chục năm về trước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nó đã trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trên các kênh truyền thông thương mại và tiêu dùng. Trong khoảng thời gian tương đối ngắn, nó nổi lên như một giá trị lối sống thống trị, thúc đẩy sự quan tâm của mọi người đến việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chăm sóc bản thân, chánh niệm, giảm căng thẳng, nghỉ dưỡng sức khỏe, lão hóa khỏe mạnh, thực phẩm chức năng bổ sung cùng các phương pháp chăm sóc sức khỏe khác.
Khi sự quan tâm của người tiêu dùng đối với tất cả những thứ liên quan đến sức khỏe tăng nhanh, “sức khỏe” trở thành tiêu điểm để dịch vụ nhắm tới: từ thực phẩm chức năng, sinh tố đến bất động sản và gói kỳ nghỉ, từ tư cách thành viên phòng tập thể dục và kế hoạch chăm sóc sức khỏe đến ứng dụng thiền và bộ xét nghiệm DNA.
Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) kết hợp trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn đã trở thành xu hướng phát triển từ rất lâu tại những nước có nền công nghiệp du lịch phát triển. Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của xứ sở Phù Tang, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và Yoga tại Ấn Độ.
Tại Việt Nam, xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe hay còn gọi là du lịch chữa lành còn khá mới mẻ dù dịch vụ wellness như spa, massage, sauna, steam bath và các hoạt động cân bằng tâm - thân - trí như yoga, thiền đã được các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đưa vào khai thác từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, doanh số cũng như sự tăng trưởng còn rất khiêm tốn.
Sau Covid-19, xu hướng du lịch chữa lành chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, một số chủ đầu tư đã rất nhạy bén tìm hướng đi mới với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort) trước khi thị trường trở nên quá cạnh tranh.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng khách chăm sóc sức khỏe là một nhóm nhỏ, giới thượng lưu và giàu có đến thăm các spa, khu nghỉ dưỡng sức khỏe hoặc yoga và thiền định. Trên thực tế, khách du lịch chăm sóc sức khỏe bao gồm một nhóm người tiêu dùng rộng lớn và đa dạng hơn với nhiều động cơ, sở thích và giá trị.
Kinh tế du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là một tập hợp hẹp các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe điển hình, chẳng hạn như spa, khóa tu chăm sóc sức khỏe, suối nước nóng/khoáng chất và trại huấn luyện. Khách du lịch chăm sóc sức khỏe (đặc biệt là khách du lịch chăm sóc sức khỏe thứ cấp) đang tìm cách tiếp tục lối sống chăm sóc sức khỏe của họ trong suốt chuyến du lịch và lối sống này có thể bao gồm ăn uống lành mạnh, thói quen tập thể dục, thực hành cơ thể, trải nghiệm thiên nhiên, kết nối với người dân và văn hóa địa phương... tạo cơ hội cho các phòng tập yoga, phòng tập thể dục và trung tâm thể dục, cửa hàng/chợ thực phẩm lành mạnh, đơn vị tổ chức sự kiện, nghệ thuật và thủ công, bảo tàng và nhiều nơi khác cùng phát triển.
Du lịch chăm sóc sức khỏe có thể giúp các điểm đến giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đại trà hoặc du lịch quá mức. Vì khách du lịch chăm sóc sức khỏe có xu hướng là những người chi tiêu cao và ưa thích những trải nghiệm chân thực, độc đáo, nên sẽ có ít áp lực hơn cho các điểm đến khi tham gia vào chiến lược “chạy đua đến tận cùng” cạnh tranh về giá cả và số lượng.
Du lịch chăm sóc sức khỏe cũng tạo cơ hội cho các điểm đến giảm bớt tính thời vụ của các luồng du khách. Ví dụ: các điểm đến trượt tuyết có thể thu hút những du khách thích đi bộ đường dài và các hoạt động ngoài trời khác vào mùa hè, trong khi các điểm đến bãi biển có thể thu hút những du khách đang tìm kiếm một môi trường yên tĩnh hơn để giảm căng thẳng hoặc nghỉ dưỡng vào mùa đông.