Sri Lanca rơi vào khủng hoảng – nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn có thực tế không?

STNN – Những ngày gần đây, dân chúng Sri Lanca như nước lũ tràn vào Phủ Tổng thống. Áp lực của cơn bão biểu tình khiến cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Sri Lanca phải từ chức cùng lúc. Nguyên nhân có phải xuất phát từ cách làm nông nghiệp hữu cơ cực đoan?

Người dân Sri Lanca thu dọn cỏ bằng phương pháp thủ công – Ảnh: ISHARA S. KODIKARA

Điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp

Sri Lanca ở về phía nam Ấn Độ, là một quốc gia nằm trên đường nối hàng hải chiến lược giữa Tây Á và Đông Nam Á. Không những ở vị trí thuận lợi mà lượng mưa và ánh nắng dồi dào cũng là điều kiện lý tưởng để Sri Lanca phát triển nông nghiệp.

Một quốc gia với những điều kiện lý tưởng như vậy tại sao lại xảy ra khủng hoảng như ngày hôm nay? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của Sri Lanca mà một trong những ngòi nổ rất quan trọng đó là làm nông nghiệp hữu cơ một cách mù quáng, phá tan ngành cốt yếu của đất nước.

Trong hoạt động bầu cử năm 2009, Tổng thống Gotabaya Rajabaksa hứa, trong vòng 10 năm nông dân nước này sẽ chuyển hết sang nông nghiệp hữu cơ. Tháng 4/2021, chính phủ của ông thực hiện lời hứa. Chính phủ cấm nhập khẩu, cấm sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi toàn quốc, đồng thời quyết định 2 triệu nông dân nước này chuyển hướng sang sản xuất thực phẩm hữu cơ triệt để.

Kết quả thật thảm hại. Theo thống kê, năm 2021 sản lượng gạo của Sri Lanca giảm 35%, chè giảm 50%, ngô giảm 50%, dừa giảm 30%. Trước đây, nước này hoàn toàn có thể tự cung, tự cấp gạo nhưng tới năm ngoái họ bắt buộc phải nhập gạo với trị giá 450 triệu USD, và giá gạo bán trong nước tăng khoảng 50%.

Sri Lanca là nước lớn thứ tư trên thế giới về xuất khẩu chè, chiếm 70% thu nhập xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất chè cũng là một trong những ngành nghề chủ yếu và mang lại thu nhập chính của nông thôn Sri Lanca. Nhưng sản lượng chè giảm đã khiến họ mất đi nguồn lợi kinh tế tới 425 triệu USD. Sản phẩm xuất khẩu cho thị trường hữu cơ giá trị cao không thể bù đắp nổi cho sự sụt giảm nghiêm trọng của sản lượng. Bởi vì thị trường chè hữu cơ toàn cầu chỉ chiếm gần 0,5% thị trường chè toàn cầu.

Theo Đài truyền hình Sri Lanca, do lệnh cấm của chính phủ, năm 2021 khoảng 1/3 đất nông nghiệp của họ rơi vào tình trạng bỏ hoang. Tháng 10/2021, chính phủ Sri Lanca tuyên bố rơi vào tình trạng khẩn cấp về lương thực, thực hiện khống chế giá và phân phối nghiêm ngặt. Chính phủ yêu cầu nông dân bán gạo cho các cơ quan chính phủ, trực tiếp giữ kho lương của tư nhân. Đồng thời, nhân dân Sri Lanca phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ mới có thể nhận gạo, đường, sữa bột và các hàng hóa khác do chính phủ phát theo suất.

Giấc mộng nông nghiệp hữu cơ Sri Lanca – ảo vọng, sai lầm về quản trị và sự thiển cận của nhà nước

Tại sao Sri Lanca rơi vào tình trạng này? Phải nhắc lại, từ năm 2016 Gotabaya Rajabaksa đã phát động phong trào Xã hội của công dân mới với tên Viyathmaga. Phong trào này sau đó đã trở thành đề tài lôi kéo cử tri khi đi vận động tranh cử. Rajabaksa vẽ lên cho dân Sri Lanca một cái bánh – dùng những nguồn lực mới từ các chí sĩ, học giả chuyên nghiệp và các doanh nghiệp để tạo nên những ảnh hưởng về sự phát triển đạo đức và vật chất của Sri Lanca. Việc này bao hàm tất cả các mặt, từ chống tham nhũng tới chính sách giáo dục và đảm bảo trong 10 năm quốc gia chuyển biến hoàn toàn sang nông nghiệp hữu cơ.

Phong trào Viyathmaga nói dùng các chuyên gia kỹ thuật, nhưng Uỷ ban do Bộ Nông nghiệp nước này lập ra đã loại bỏ hầu hết các nhà khoa học nông nghiệp, chuyển sang dựa vào số ít các đại diện nhóm hữu cơ. Đặc biệt, người phụ trách của Hiệp hội Y học (ở các tỉnh nông nghiệp phía bắc), trong thời gian dài đã luôn tuyên truyền về khả năng có mối liên quan giữa thuốc bảo vệ thực vật với bệnh thận mãn tính.

Cuộc cách mạng xanh được bắt đầu ở nước này từ năm 1960, chính phủ trợ cấp/trợ giá cho nông dân sử dụng phân tổng hợp. Điều này khiến cho sản lượng gạo và các cây trồng khác tăng hơn gấp đôi. Chè và cao su là những sản phẩm xuất khẩu mạnh, trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nhà nước. Việc nâng cao sức sản xuất của nông nghiệp khiến cho nhiều người có thu nhập cao, thúc đẩy thành thị hoá.

Bản chất của nông nghiệp là trò chơi tuần hoàn nhiệt lực học

Tới năm 2020, tổng số tiền cho nhập khẩu phân hoá học và trợ giá đã lên tới gần 500 triệu USD. Rồi cùng với giá phân bón tăng, số tiền trợ giá trong năm 2021 cũng tăng mạnh. Chính phủ đã không còn chịu nổi gánh nặng.

Lúc này, Rajabaksa lấy việc phát triển toàn diện hoá nông nghiệp hữu cơ, cấm nhập khẩu phân bón hoá học. Xem ra “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giảm bớt áp lực thiếu ngoại tệ, đồng thời dự toán chi của chính phủ “tiết kiệm” được một khoản lớn.

Người dân bón phân trên cánh đồng rau – Ảnh: LAKRUWAN WANNIARACHCHI

Nhưng có vẻ như đây là cách “uống rượu độc để giải khát”. Chính phủ kêu gọi phải tăng sản lượng các loại phân hữu cơ. Nhưng, để cung cấp Nitơ bằng với số lượng phân tổng hợp nhập của năm 2019 thì cần phải tăng lượng phân động vật lên 5 tới 7 lần. Đảo quốc nhỏ kiểu Sri Lanca không thể có khả năng này. Chỉ có số cực ít của “tín đồ hữu cơ” từ trong cuộc cấm nhập khẩu phân hoá học kiếm được tiền còn tuyệt đại đa số nông dân chịu cái giá của việc sụt giảm của nông nghiệp.

Tuy cơn sóng nông nghiệp hiện đại của phương Tây ào tới không ngừng, nhưng trên thực tế chưa thấy một quốc gia sản xuất nông nghiệp quan trọng nào quá độ hoàn toàn lên nông nghiệp hữu cơ hoặc nông nghiệp sinh thái thành công, cho dù thuộc khối EU, sản xuất nông nghiệp cũng phải dựa dẫm vào phân bón hoá học.

Bài học của Sri Lanca cho thấy: nông nghiệp là “trò chơi tuần hoàn nhiệt lực học”: Dưỡng chất và năng lượng đầu ra dưới dạng calorie được quyết định bởi dưỡng chất và năng lượng đầu vào.

Chử Cường (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây