Tháng 3 Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật

Việt Nam rừng vàng biển bạc, thiên nhiên tươi đẹp đến lay động lòng người, mỗi nơi mỗi vẻ luôn đem đến những điều mới lạ chờ những người yêu thiên nhiên đến khám phá. Chuyến đi dọc dài đất nước đã cho tôi thấy bao điều tươi đẹp, đặc biệt để lại trong tôi bao lưu luyến về Măng Đen – Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên.

Theo tư liệu lịch sử, vào những năm giữa thế kỉ 19, có một con đường dài 120km tên gọi là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” nối bãi biển xanh với cát trắng miền Trung, vượt qua con đèo Vi-ô-lắk để lên Kon Tum. Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh dẫn từ Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ. Đèo Vi-ô-lắc vốn là con đường buôn bán, giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực.

Con đèo nằm trên Quốc lộ 24 nối miền biển với miền núi để tới vùng đất trên miệng núi lửa bạt ngàn xanh của đất Trường Sơn – Tây Nguyên – Măng Đen. Do nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, được các dãy núi cùng hệ thực vật rừng nguyên sinh bao quanh, nên Măng Đen có nền khí hậu miền núi ôn hòa mát dịu quanh năm.

Bên cạnh thảm rừng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trồng các giống cây, rau xứ lạnh, cây dược liệu bởi độ ẩm cao, thổ nhưỡng phù hợp, địa hình đa phần gò đồi thấp, cùng hệ thống sông, suối và nhiều hồ, thác nước.

Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên vùng đất này. Vì khí hậu và cảnh quan đặc biệt, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt nên nơi đây được ví như là Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên, và hiện được quy hoạch để trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia. Tên gọi của thị trấn Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người Mơ Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn.

Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng phát triển, đây là loại hình du lịch đặc biệt có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Chùa Khánh Lâm ở Măng Đen nằm cách xa khu dân cư, có địa thế tuyệt đẹp, hòa quyện cùng thiên nhiên, đường vào chùa uốn lượn giữa trập trùng đồi núi, suối, hồ… tạo thành điểm nhấn quan trọng trong tổng thể Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Trong không gian tĩnh lặng đó, du khách như được giải thoát khỏi những lo âu, phiền muộn, những vất vả, toan tính của cuộc sống thường ngày để tận hưởng không khí trong lành, tận hưởng những giây phút an lạc trong tâm hồn.

Thác Pa Sỹ xứng đáng là một tuyệt tác giữa thiên nhiên hùng vĩ. Đến với Măng Đen, du khách còn được chiêm ngưỡng khu vườn tượng với hàng trăm tác phẩm bằng gỗ độc đáo, đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian trong văn hóa của đồng bào các dân tộc Kon Tum; được thả hồn vào cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình của Khu du lịch sinh thái Hoàng Vũ, với tâm điểm là lòng hồ Toong Đam, 1 trong 7 hồ lớn có tên trong truyền thuyết “Bảy hồ ba thác” của người Mơ Nâm.

Thác Pa Sỹ

Tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được là tượng Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ cụt tay) là một di tích, điểm hành hương Công giáo của Giáo phận Kon Tum. Giữa khung cảnh rừng núi mênh mông, thâm u, xung quanh là rất nhiều hoa, những dãy ghế đá, những tấm biển “Tạ ơn Đức Mẹ” được những người giáo dân mang đến, bức tượng hiện lên với đầy vẻ linh thiêng, huyền bí.

Tượng Đức Mẹ cụt tay

Nhà thờ gỗ Kon Tum được làm bằng gỗ cà chít (sến đỏ), trần và tường được xây bằng đất trộn rơm. Nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc Roman, phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Từ đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu đều mang đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Nhìn bên ngoài, công trình là một khối nhà cao lớn, uy nghiêm, nổi bật với gam màu sẫm đen của gỗ và ngói – màu của thời gian. Mặt tiền nhà thờ có một tháp chuông 4 tầng cao 24m nằm chính giữa tạo sự hài hòa, cân đối cho toàn bộ công trình. Hành lang hai cánh rộng và dài, các mái nhô cao và dốc như kiểu mái nhà rông của người Ba Na được đỡ bởi hàng cột gỗ tròn. Bên trong thánh đường dường như là một thế giới khác hẳn với kết cấu mái vòm dài, cao vút, ngập tràn ánh sáng khiến cho người xem thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hoành tráng và lộng lẫy của nó.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar là một khu rừng đặc dụng ở tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam, được thành lập theo quyết định số 182/1991/QĐ-KL ngày 13/5/1991 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Nằm trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, dãy núi lửa Nam Kar thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, Đắk Nông) là một trong những núi lửa trẻ, hình thành bởi sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ. Với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, dãy núi lửa Nam Kar được xem là núi lửa rất trẻ có niên đại dưới 10.000 năm tuổi. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích nghiên cứu, khám phá những giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Đức Mẹ Giang Sơn là tên gọi tượng đài Đức Mẹ nằm trên đồi Giang Sơn, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30km về phía đông nam theo Quốc lộ 27 đường đi Đà Lạt. Đây là trung tâm hành hương Công giáo thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột. Vào các ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, 15/8 hằng năm và các ngày thứ bảy đầu tháng, có rất đông khách hành hương từ khắp nơi về dự Thánh lễ tôn vinh Đức Mẹ.

Tượng Đức Mẹ Giang Sơn

Từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột theo Quốc lộ 27 khoảng 55 km là đến hồ Lắk nằm trên địa bàn thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên, với diện tích khoảng 6,2km2, nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn. Hồ Lắk được bao bọc chung quanh bởi nhiều đồi núi, đặc biệt ở thượng nguồn là dãy núi Chư Yang Sin với đỉnh núi cao 2.442m so với mực nước biển và những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Nhờ đó, nguồn nước ở hồ Lắk ít khi bị khô cạn, kể cả về mùa khô Tây Nguyên.

Chung quanh hồ Lắk là những cánh đồng lúa nước bạt ngàn xen lẫn các buôn làng của đồng bào M’nông sinh sống bao đời nay như: buôn Lê, buôn Jun, buôn M’Liêng…, đến nay vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của vùng đất Tây Nguyên. Đồng bào dân tộc M’nông bản địa ở đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, như: diễn tấu cồng chiêng, múa hát dân ca, làm rượu cần và uống rượu cần, dệt thổ cẩm truyền thống, đan lát… Đặc biệt, còn nuôi dưỡng được đàn voi, một biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Tọa lạc trên một ngọn đồi rất đẹp bên hồ Lắk là Biệt điện Bảo Đại, nơi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn làm nơi dừng chân khi ông và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát, săn bắn. Khu Biệt điện này là một tòa nhà ba tầng, được xây theo lối kiến trúc hiện đại. Các căn phòng của Biệt điện đều có cửa sổ rộng với góc nhìn tuyệt đẹp về bốn phía.

Nếu trong chuyến đi sắp tới bạn muốn tìm một nơi để cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên thì du lịch Tà Đùng Đắk Nông – nơi được nhiều người yêu thích xê dịch gọi với cái tên đầy ấn tượng là “Vịnh Hạ Long trên cao” nhất định sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Hồ Tà Đùng, vốn dĩ là hồ nước được tạo nên bởi việc làm đập xây dựng thủy điện Đồng Nai 3 và 4. Mực nước dâng cao ngập các thung lũng và chừa lại các ngọn núi cao nhấp nhô thành vô số đảo lớn nhỏ, theo thống kê có gần 40 cụm đảo, tạo nên một cảnh vật kỳ vỹ và được mệnh danh là Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên, Vịnh Hạ Long của phương Nam.

Rời Tây Nguyên để về lại với miền duyên hải Nam Trung Bộ, qua Quốc lộ 28 có một đoạn trùng với Quốc lộ 20 (chừng 800m) ở Di Linh. Tuyến đường này có nhiều đèo dốc, trong đó đáng chú ý hơn cả là đèo Gia Bắc (đèo Di Linh). Con đường đèo này là một thử thách với các tay lái bởi có vài đoạn đường khá hẹp, chỉ đủ một làn xe khách loại lớn chạy, đường dốc quanh co, nhiều khúc cua gắt. So với đèo Bảo Lộc hay đèo Prenn thì đèo Gia Bắc nguy hiểm và khó đi hơn nhiều.

Qua những ngày trải nghiệm vùng Tây Nguyên đất đỏ; qua những thử thách trên các cung đường đèo quanh co, hiểm trở, những tay lái đến từ thành phố thu nạp cho mình một nguồn năng lượng tươi mát, tràn đầy. Chào Tây Nguyên, chào tháng Ba Tây Nguyên, hẹn sớm gặp lại trên những con đường đất đỏ!

Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật.

Bing Uncle

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây