Tiếp tục bám sát địa bàn giúp dân, đồng thời triển khai phương án chủ động trước mưa bão

STNN – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều xã, phường nước vẫn ngập rất sâu, nhất là vùng thấp trũng. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, tiếp tục bám sát địa bàn cơ sở để giúp đỡ nhân dân. Đặc biệt, kịp thời chia sẻ, động viên, hỗ trợ bà con một số nhu yếu phẩm cần thiết để vượt qua hoạn nạn.

Đoàn công tác của UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra khu vực bị ngập úng.

Sáng nay, có mặt tại địa bàn xã Phú Mẫu (TP. Huế), Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an xã tiếp tục bám sát cơ sở, phối hợp, tham mưu cho chính quyền để cùng nhân dân khắc phục khó khăn. Trọng tâm nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhân dân.

Hiện nay, sau nhiều ngày ngập lụt, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự hỗ trợ về lương thực. Đến tặng quà cho bà con, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn đã động viên, thăm hỏi, mong mọi người yên tâm, khi cần hỗ trợ hãy nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương và lực lượng công an cơ sở để có phương án giúp đỡ kịp thời.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà hỗ trợ người dân vùng lũ.

Kiểm tra tại các địa bàn cơ sở, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chủ động hỗ trợ cho bà con; Kiên quyết không để dân đói, dân rét, ốm đau không được đưa đi cấp cứu. Hiện nay, tại nhiều địa bàn thấp trũng, lực lượng Công an các đơn vị địa phương ngày đêm tiếp tục sát cánh cùng nhân dân vượt qua bão lụt; đồng thời, tăng cường lực lượng, đảm bảo an ninh an toàn cho bà con, kịp thời đấu tranh, xử lý đối tượng lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật.

Trong sáng ngày 16/10, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, tặng quà động viên người dân vùng lũ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 cùng ảnh hưởng của rãnh thấp gây mưa lớn trên diện rộng, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, trọng tâm trong ngày 14/10, tổng lượng mưa trung bình từ 500-600m. Mực nước các sông đều trên báo động 3, tiệm cận đỉnh lũ năm 2020, ngập lụt diện rộng. Hiện nay, lượng mưa giảm, mực nước triều cửa sông giảm nên mực nước các sông đang xuống nhưng còn chậm. Tổng lượng mưa trung bình từ 19h ngày 15/10 và 7h ngày 16/10 khoảng 50-100m, có nơi cao hơn như Rào Trăng 4 là 173mm, Tà Lương 130mm, Khe Ngang 120mm.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT, những đợt mưa trước (ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru) các hồ đã tham gia cắt, giảm đỉnh lũ nên mực nước hồ đã dâng cao. Trong suốt thời gian lũ từ 14-15/10, các hồ đã vận hành với lưu lượng xả luôn nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nên đã cắt, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du, và chuẩn bị ứng phó với đợt không khí lạnh và bão sắp đến. Hiện nay, các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.

“Các địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn, gây ngập cho nhà cửa. Ước tính, có khoảng 19.918 nhà bị ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Toàn tỉnh có 37 điểm sạt lở. UBND các huyện, thị xã thành phố Huế đã tổ chức sơ tán di dời 3.687 hộ, 10.322 nhân khẩu đến nơi an toàn”, ông Nguyễn Đình Đức cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lũ đã qua thời điểm căng thẳng nhất, tuy nhiên tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện nay, đã qua thời điểm đỉnh lũ, trong công tác vận hành, điều tiết sẽ cố gắng hạ thấp mực nước sông. “Các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, thậm chí phải tính đến phương án ngập lũ dài ngày”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày hôm nay (16/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ. Từ ngày mai (17/10) bộ phận không khí lạnh trên sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Cảnh báo tác động: Do mưa lớn nên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng đô thị, đặc biệt là những tuyến đường thấp trũng và hệ thống thoát nước chậm ở TP. Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương họp với các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác ứng phó mưa lũ, đồng thời nhấn mạnh cần hạn chế thấp nhất thiệt hại. “Việc vận hành hồ đập phải chủ động, đảm bảo an toàn. Cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong và sau lũ. Trong công tác hỗ trợ người dân, nên tổ chức một số đội y tế cơ động và đặc biệt lưu tâm đến công tác di dân, đề phòng sạt lở”.

Hoàng Nghĩa 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây