Tiêu hủy dơi sau khi bùng phát bệnh dại được xem là chiến lược ngăn chặn không hiệu quả

STNN – Một nhóm các nhà sinh vật học tại Đại học Glasgow, cộng tác với các đồng nghiệp thuộc một số viện nghiên cứu ở Peru, đã phát hiện ra rằng việc tiêu hủy đàn dơi sau khi bùng phát bệnh dại ở vật nuôi không phải là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Trong nghiên cứu của họ, được công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm đã nghiên cứu tỷ lệ lây nhiễm và tiến hành giải trình tự bộ gen của virus để hiểu rõ hơn về sự lây truyền bệnh dại ở dơi sang vật nuôi.

Trong nhiều năm qua, những người chăn nuôi gia súc và những người quản lý chăn nuôi khác ở Nam Mỹ đã phải chiến đấu với những đợt bùng phát bệnh dại định kỳ. Và trong khi căn bệnh này lây truyền qua nhiều loại sinh vật, thì mối đe dọa chính đối với gia súc được cho là đến từ loài dơi quỷ. Những con dơi này tìm kiếm “bữa ăn” đơn giản bằng cách săn các động vật thuần hóa không có khả năng tự vệ. Những vết thương mà chúng để lại đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng da, nhưng những căn bệnh mà chúng mang theo mới là mối đe dọa lớn nhất. Mối quan tâm hàng đầu là bệnh dại, gây chết người. Phương pháp truyền thống để chống lại những đợt bùng phát dịch dại là sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc độc để tiêu diệt dơi quỷ-chất độc này sẽ lây lan từ con dơi này sang con dơi khác, giết chết chúng.

Trong lịch sử, thuốc tiêu diệt dơi quỷ đã được sử dụng theo hai cách, trước hoặc trong khi bùng phát dịch bệnh. Không có phương pháp nào được kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả. Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã tìm cách xác định xem việc tiêu hủy đàn dơi bằng thuốc tiêu diệt này có phải là một biện pháp hiệu quả để chống lại sự bùng phát bệnh dại hay không.

Công việc đầu tiên liên quan đến việc nghiên cứu tỷ lệ lây nhiễm đối với một số đàn gia súc ở Peru. Sau đó, họ tiến hành giải trình tự bộ gen của virus bệnh dại thu thập được từ những con bò bị nhiễm bệnh trong khu vực. Cả hai nghiên cứu đều được thực hiện trong khoảng thời gian hai năm.

Các nhà nghiên cứu đã không thể tìm thấy mức giảm có thể đo lường được đối với các ca nhiễm bệnh ở gia súc (so với các đàn gia súc không tiến hành tiêu hủy) khi các chủ trang trại tiến hành các hoạt động tiêu hủy dơi sau khi phát hiện các bệnh nhiễm trùng trong đàn của họ. Họ thậm chí còn tìm thấy bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tăng lên. Tuy nhiên, họ cũng tìm thấy sự giảm tỷ lệ lây nhiễm khi các chủ trang trại tiêu hủy dơi trước khi phát hiện các bệnh nhiễm trùng trong đàn.

Nhóm nghiên cứu gợi ý rằng, việc áp dụng thuốc diệt dơi quỷ sau khi đợt bùng phát dịch khiến loài dơi từ bỏ thuộc địa của chúng và di tản ra khắp khu vực địa phương để tìm nơi sinh sống mới. Khi làm như vậy, có thể làm giảm sự lây lan dịch bệnh ở loài dơi, nhưng lại làm tăng tỷ lệ lây lan bệnh ở gia súc, vì những con dơi bị nhiễm độc đã lây nhiễm cho nhiều con bò trước khi tự chết.

P.T.T (NASATI), theo https://phys.org/news/2023-03-culling-rabies-outbreak-ineffective-strategy.html, 13/3/2023

Theo: vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây