Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc

Với những nỗ lực thúc đẩy của các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như tiến triển trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi có thêm 2 loại trái cây được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch và gia tăng khối lượng xuất khẩu qua kênh đường sắt.

Chuyến tàu liên vận chở 230 tấn thanh long Việt Nam đến Khu Logistics tây Hoài Hóa, Hồ Nam. (Ảnh: Chinanews.com)

Chanh leo và sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, sau thời gian dài tích cực đàm phán, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản chấp thuận nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ đầu tháng 7/2022, qua 7 cửa khẩu đường bộ và đường sắt thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Như vậy, chanh leo là loại trái cây tươi thứ 10 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, sau thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Căn cứ vào tình hình hoạt động xuất nhập khẩu thí điểm, cơ quan chức năng hai bên sẽ tiến hành đánh giá kết quả, làm cơ sở cho các bước tiếp theo để tiến tới ký kết nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với chanh leo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo thông tin từ cơ quan thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cơ quan chức năng hai nước đã thống nhất nội dung Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, dự kiến sẽ ký kết và trao đổi chính thức văn bản này trong nửa đầu tháng 7/2022, mở đường cho các hoạt động xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam sang quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tham tán Nông Đức Lai đánh giá, hiện nay, Trung Quốc áp dụng những quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phòng dịch Covid-19 đối với hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, việc đạt được những thỏa thuận cho phép xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung sang thị trường này, là tiến triển hết sức tích cực, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, chanh leo và sầu riêng đều là những loại trái cây mà Việt Nam có thế mạnh, với diện tích trồng và sản lượng lớn. Trong khi, thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với hai loại trái cây này. Do vậy, cần nắm bắt tốt cơ hội, bảo đảm tuân thủ quy định của cơ quan chức năng Trung Quốc, sớm đưa các loại trái cây này thâm nhập thị trường 1,4 tỷ dân, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Xuất khẩu bằng đường sắt tăng cao

Tham tán Nông Đức Lai khảo sát hợp tác logistics tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc)

Thời gian gần đây, trao đổi thương mại qua kênh đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng lên, trong đó có một lượng lớn trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được vận chuyển bằng phương thức này.

Thông tin từ báo chí Trung Quốc cho biết, ngày 7/7, chuyến tàu liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, vận chuyển hàng hóa được bảo quản đông lạnh, đã đến Khu Logistics tây Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

Đây là chuyến tàu liên vận quốc tế chở hàng hóa đông lạnh đầu tiên từ Việt Nam đến Hồ Nam, cũng là chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên ở Trung Quốc, áp dụng dây chuyền bảo quản lạnh trong toàn bộ quá trình vận chuyển.

Chở theo 12 container bảo quản lạnh 230 tấn quả thanh long Việt Nam với giá trị hàng hóa 1,5 triệu nhân dân tệ, chuyến tàu xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhập cảnh vào Trung Quốc qua cửa khẩu Bằng Tường (Quảng Tây), với hành trình 1.500km. Tại thành phố Hoài Hóa, lô hàng thanh long Việt Nam được xét nghiệm Covid-19 và xử lý khử trùng, sau đó nhanh chóng được phân phối đi Bắc Kinh, Vũ Hán, Hàng Châu và các thành phố khác.

Đại diện Khu Logistics tây Hoài Hóa cho biết, vận chuyển hoàn toàn bằng đường sắt liên vận áp dụng dây chuyền bảo quản lạnh có ưu thế nổi bật hơn hẳn so phương thức truyền thống, bởi có thể giảm thiểu những trở ngại khi chuyển hàng từ ô-tô sang tàu hỏa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, tránh lây nhiễm chéo và giảm đáng kể tỷ lệ hư hỏng hàng hóa. Do vậy, phương thức vận chuyển đường sắt mở ra một kênh thuận lợi cho trái cây Việt Nam và ASEAN tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, bổ sung thêm nguồn trái cây tươi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước này.

Tham tán Nông Đức Lai cho biết, không chỉ Hồ Nam, mà nhiều tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc mong muốn tăng cường trao đổi thương mại với Việt Nam qua kênh đường sắt. Đây là phương thức vận tải hàng hóa tiện lợi, phù hợp với xuất khẩu chính ngạch, khối lượng lớn, bảo đảm chất lượng các loại trái cây tươi, nông sản của Việt Nam, nhất là có thể giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực do các biện pháp phòng dịch Covid-19 của phía Trung Quốc.

Thống kê của Cục Đường sắt Nam Ninh (Trung Quốc) cho thấy, nửa đầu năm 2022, đã có 173 chuyến tàu liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc, vận chuyển lượng hàng hóa tương đương 5.196 TEU (1 TEU = 1 container 20 feet), số lượng chuyến tàu và khối lượng hàng hóa vận chuyển lần lượt tăng 19,3% và 26,3% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng trái cây, có tổng cộng 38.000 tấn được vận chuyển bằng đường sắt, tăng 164,95% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây