STNN - Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của cụm công trình “Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam” đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy cầm trong nước.
Người xưa có câu “Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi heo, muốn nghèo thì nuôi vịt” nhằm ngụ ý rằng, chăn nuôi thủy cầm mang lại giá trị kinh tế thấp hơn so với nuôi thủy sản hay gia súc. Trước đây, chăn nuôi thủy cầm chỉ giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, với những giống vịt ngan năng suất thấp, chăn nuôi chỉ mang tính tận dụng, quảng canh, tự cung, tự cấp. Nhờ ứng dụng các kết quả của công tác nghiên cứu khoa học, chăn nuôi thủy cầm đã thay đổi diện mạo: nhiều hộ gia đình đã có thể làm giàu nhờ nghề chăn nuôi thủy cầm; nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại được đầu tư, xây dựng và phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mang lại nguồn thu đáng kể.
Cụm công trình “Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam” được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi, các Trung tâm thuộc Viện Chăn nuôi phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các cơ sở chăn nuôi trong phạm vi cả nước.
Cụm công trình này là một tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về chăn nuôi thủy cầm trong suốt gần 40 năm của đội ngũ 31 nhà khoa học ở nhiều cương vị khác nhau: những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu cơ bản, những nhà nghiên cứu chuyển giao… Với kinh nghiệm và tâm huyết, tập thể các nhà khoa học đã tham gia vào quá trình nghiên cứu, chọn lọc tạo dòng, giống; lai giống; nghiên cứu về phương thức nuôi, dinh dưỡng và thức ăn, quy trình công nghệ ấp trứng, thú y; phát triển sản xuất phù hợp với từng điều kiện từng vùng sinh thái và đặc biệt là phát triển chăn nuôi thủy cầm thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện vùng xâm ngập mặn, ven biển và hải đảo.
Cụm công trình đã có 46 sản phẩm khoa học được công nhận tiến bộ kỹ thuật; nghiên cứu tạo ra 32 giống mới, 37 dòng vịt thịt, 14 dòng vịt siêu trứng, 8 dòng vịt kiêm dụng, 12 dòng ngan; một số giống vịt được tạo ra có năng suất cao nhất thế giới hiện nay như vịt siêu trứng TC; các giống vịt chuyên thịt, ngan và kiêm dụng tương đương với các giống vịt của các nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp. Năng suất các giống thủy cầm hiện nay nổi trội về năng suất, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của ngành chăn nuôi thủy cầm.
Cụm công trình được đánh giá là có giá trị rất cao, có tính phát minh mới về công nghệ, có tính đột phá trong nghiên cứu và chuyển giao, được ứng dụng thành công và có hiệu quả trong các công trình trọng điểm quốc gia. Kết quả, đưa ra phương thức chăn nuôi hoàn toàn mới là nuôi vịt trên khô. Từ phương thức nuôi mới này, chăn nuôi thủy cầm có điều kiện phát triển lên những bước cao hơn bởi lẽ áp dụng được công nghệ cao, hiện đại hóa, sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Với kết quả nghiên cứu, những giống thủy cầm có năng suất cao, sức đề kháng tốt được đưa vào thực tiễn sản xuất, kết hợp với phương thức chăn nuôi hoàn toàn mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phương thức nuôi, đã mang lại những khởi sắc cho ngành chăn nuôi. Việc sản xuất hàng hóa (thủy cầm) theo quy mô lớn đã trở nên khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, việc chọn tạo được những giống, dòng vịt thích ứng với môi trường xâm nhập mặn (giống vịt biển 15 - Đại Xuyên và 4 dòng vịt biển) nuôi được ở ven biển, hải đảo, ngoài việc cung cấp thực phẩm còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng nơi biển đảo; đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Cụm công trình “Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Văn Trọng và 30 đồng tác giả vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh đã có những đóng góp lớn trong phục vụ sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn, tạo ra sản phẩm, hàng hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Úc, Singapore, Malaysia, Nga, một số nước châu Âu; tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn cùng đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Bảo Khánh
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/cum-cong-trinh-phat-trien-chan-nuoi-thuy-cam-o-viet-nam-duoc-tang-giai-thuong-ho-chi-minh-a13838.html