STNN – Công trình “Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25” của KS Hồ Quang Cua và hai cộng sự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ đợt 6.
Năm 2005, Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới và lần đầu tiên vượt mốc 5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chất lượng gạo của Việt Nam lại không thể cạnh tranh được với những nước xuất khẩu gạo khác như: Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Ngoài ra, còn tồn tại vô số vấn đề đối với ngành xuất khẩu gạo của nước ta: giá rất thấp do chất lượng không ổn định, thu nhập của nông dân rất kém, lợi nhuận của doanh nghiệp ít ỏi và đầy rủi ro, gạo không thương hiệu.
Xuất phát từ thực tiễn sản xuất của ngành sản xuất lúa gạo ở nước ta và sự day dứt đối với nền nông nghiệp nước nhà, Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự là Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương đã tiến hành công trình nghiên cứu nhằm cho ra đời một loại gạo thơm của người Việt Nam có thể cạnh tranh được với Thái Lan hay Ấn Độ về chất lượng gạo.
Công trình “Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25” được thực hiện tại 2 trại giống ở Sóc Trăng là Trại giống Phú Tức, huyện Mỹ Tú và Trại Nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang, huyện Mỹ Xuyên. Qua nhiều lần lai thử nghiệm, nhóm tác giả đã cho ra đời giống lúa ST24 và ST25 với những đặc điểm: nhanh (chu kỳ sinh trưởng ngắn), nhiều (năng suất lúa cao), tốt (kháng sâu bệnh tốt, ít đổ ngã), rẻ (giá thành sản xuất thấp). Hai giống lúa ST được tiến hành lai, chọn tạo từ vụ Xuân Hè 2008 đến cuối vụ Thu Đông 2014 thì xong và gửi đi khảo nghiệm quốc gia từ vụ Đông Xuân 2014 - 2015.
Sau 3 vụ khảo nghiệm, đến hết vụ Đông Xuân 2015 – 2016, giống ST22 và ST24 được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ đánh giá đủ điều kiện để xin công nhận sản xuất thử. Giống ST25 được yêu cầu khảo nghiệm tiếp đến vụ Đông Xuân 2017 - 2018. Song song đó, Kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự đã tổ chức khảo nghiệm sản xuất và tự tổ chức thi nội bộ hoặc tham gia các cuộc thi khác để đánh giá chất lượng cơm của các giống đã chọn.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, gạo ST24 và ST25 đã có những thành tích nổi bật trong nước và cả nước ngoài, giúp khẳng định một phần thương hiệu gạo của Việt Nam trên thế giới:
- Năm 2016, tổ chức thi nội bộ “Cơm nào ngon hơn?”, giống ST24 đoạt giải Nhất;
- Năm 2017, tổ chức thi cấp tỉnh (tháng 10/2017) ST24 đoạt giải Nhất. Cùng năm 2017, gạo ST24 dự thi quốc tế ở Macau vào top 3 “Gạo ngon nhất thế giới”;
- Năm 2018, ST24 tiếp tục vào top 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hà Nội;
- Năm 2019, trong cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức (4/11/2019), gạo ST24 đoạt giải Nhất và ST25 đoạt giải Ba. Cả 2 giống được VFA giới thiệu dự thi quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới” do Tổ chức Thương mại lúa gạo toàn cầu (TRT) và Viện Thương mại lúa gạo thế giới (ICI) tổ chức, giống ST25 vinh dự đoạt giải Nhất vào năm 2019;
- Năm 2020, ST25 đoạt giải Nhì “Gạo ngon nhất thế giới năm 2020” được tổ chức tại Mỹ.
Nhờ những thành tích trên, người tiêu dùng trung lưu Việt Nam vốn trước đây chuộng gạo Thái Lan, gạo Campuchia, đã có sự quay về với gạo nội, họ đã có niềm tin vào phẩm chất gạo ST24, ST25 cũng như tự tin vào năng lực chọn tạo giống của Việt Nam. Sự thành công của gạo ST24, ST25 cũng lan tỏa niềm tin nơi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, họ hãnh diện với các đối tác nước ngoài, tăng tự tin khi đàm phán. Nói chung, sự thành công của gạo ST24, ST25 đem lại niềm phấn khởi cho đại đa số nông dân, thương nhân và người tiêu dùng.
Có thể nói, hai giống lúa ST24 và ST25 đem lại sự tự tin cho người Việt, đẩy lùi tâm lý chuộng gạo Campuchia, gạo Thái Lan; giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng vị thế kinh doanh trên thế giới, dần dần tạo dựng thị phần đáng kể trong phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam trên thế giới.
Công trình “Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25” có tác động rất lớn trong việc phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, tác động lâu dài tới việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hình hướng sản xuất lúa gạo trong tương lai bởi vì sau 45 năm đất nước thống nhất có rất nhiều chương trình giống quốc gia, nhiều đơn vị nghiên cứu giống lúa nhưng chưa có giống lúa nào có chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, được quốc tế công nhận phẩm chất hàng đầu thế giới liên tục bốn năm như ST24 và ST25.
Công trình đã mang lại nhận thức mới cho người dân về tính tự lực tự cường dân tộc, mang lại việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng sản xuất bền vững (việc sử dụng giống lúa ST24, ST25 gieo cấy trong vùng đất nhiễm phèn mặn, do ít dùng hoặc dùng có chọn lọc thuốc trừ sâu bệnh và phân bón hợp lý nên ít gây ô nhiễm môi trường).
Bảo Khánh