Hành trình tìm chỗ đứng cho gà giống nội

STNN - Là ‘cha đẻ’ 3 giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ, ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ đợt 6, năm 2022.

AHLĐ Lê Văn Dư, Giám đốc Cty TNHH Giống gia cầm Minh Dư Bình Định - Ảnh: minhdu.com.vn.

Sản phẩm lai tạo các giống gà ta MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ của Công ty Minh Dư đã khẳng định: Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chọn tạo và nhân giống dòng thuần các giống gà nội. Xây dựng được mô hình giống hình tháp - hệ thống nhân giống tiên tiến đối với thế giới. Công trình cũng tiếp nhận và áp dụng thành công quy trình chăn nuôi chuồng kín với trang thiết bị tiên tiến. Đặc biệt hơn, công trình đã chiếm được cảm tình của bà con nông dân và chiếm khoảng 30% thị phần gà ta trong nước. Quan trọng hơn, công trình đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra sản phẩm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao, được đánh giá là 1 trong 16 quốc gia trên thế giới có tiềm năng đa dạng sinh học cao và là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, có nhiều điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi, nhưng từ trước đến nay, nước ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. 

Vốn là một nước nông nghiệp, vì vậy các sản phẩm phụ phẩm từ ngành trồng trọt (rơm, rạ, lõi ngô, lá cây,…) đều dồi dào. Đây là nguồn thức ăn lớn phục vụ cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, thực trạng phát triển của ngành chăn nuôi nước ta đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do con giống chưa tốt, năng suất thấp, thời gian nuôi dài và chưa thu thập, lai tạo được giống đặc trưng. 

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, hàng năm, chúng ta đã phải nhập khẩu một lượng không nhỏ giống lợn, gà, vịt, trâu,… Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Việt Nam bình quân phải nhập khoảng 3,061 triệu con giống gia cầm. Theo Cục Chăn nuôi, chi phí mỗi năm để nhập khẩu con giống này là 13,92 triệu USD và các giống gà phụ thuộc hoàn vào nguồn cung từ những công ty nước ngoài. 

Những năm gần đây, áp lực của kinh tế thị trường đòi hỏi những người chăn nuôi phải chạy theo năng suất cao, thay đổi giống mới, loại bỏ giống địa phương. Các kỹ thuật mới đã tạo ra nhiều giống có năng suất vượt trội để “chiều” theo thị trường nhưng chất lượng thịt không cao. Việc nghiên cứu các giống nội địa ít được quan tâm, chú trọng, càng khiến cho các giống bản địa mất đi tính cạnh tranh và dần không còn nữa. Phải công nhận một điều rằng, con giống nhập khẩu đã giúp cải thiện phần nào năng suất và chất lượng vật nuôi. Tuy nhiên, việc nhập khẩu và sử dụng các giống ngoại ồ ạt, thiếu sự kiểm soát đã gây ra hậu quả cho công tác bảo tồn và khai thác giống vật nuôi trong nước và khiến ngành chăn nuôi bị động trong sản xuất.

Các giống gà nội MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư.

Xuất phát từ thực tiễn trên và mong muốn thúc đẩy ngành sản xuất chăn nuôi của nước ta; đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn cung giống gà trong nước, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã đi tới nghiên cứu công trình “Ba tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định (MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ) giai đoạn 2000 - 2020”. Nghiên cứu với mong muốn đáp ứng được thực tiễn sản xuất đủ sức cạnh tranh với các giống gà lông màu nhập nội và xứng đáng đại diện cho giống gà ta của Việt Nam vươn tầm thế giới.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã nghiên cứu, tuyển chọn và nhân giống 8 giống gà nội. Các giống gà trên được chọn lọc cải tiến qua nhiều thế hệ để tạo ra ưu thế lai có khả năng sản xuất trứng, chất lượng thịt, tầm vóc lớn hơn các giống gà nhập và phù hợp hơn với thị hiếu tiêu dùng của người Việt; quan trọng hơn, đó là giống gà thuần Việt, của người Việt.

Trải qua nhiều lần lai tạo, Công ty Minh Dư đã khai thác được triệt để ưu thế lai giữa các dòng, giống gà nội để tạo ra 3 tổ hợp lai MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ phục vụ ba phân khúc thị trường khác nhau trên tất cả các vùng trên cả nước (nhóm nhẹ cân, nhóm cân nặng trung bình và nhóm nặng cân). Những tổ hợp lai trên đạt năng suất tương đương với các giống gà lông màu của các hãng gia cầm tiên tiến trên thế giới, nhưng chất lượng thịt vượt trội hơn hẳn.

Giai đoạn 1, từ năm 2000 đến năm 2005, Công ty đã tiến hành tuyển chọn 8 giống gà. Giai đoạn này nhằm chọn ra được những tính trạng tốt của các loại gà khác nhau để tạo được nguồn giống phối khỏe.

- Gà Ri vàng rơm: Giống gà thịt rất được ưa chuộng do thịt thơm ngon và dai; là giống gà phân bố ở khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

- Gà Hồ: Là giống gà quý, dáng to, dài được nuôi chủ yếu ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

- Gà Nòi Bến Tre: Giống gà này được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ; gà có sức khoẻ tốt, dễ thích nghi, thịt chắc, ngọt và da giòn.

- Gà Kiến (Ri Bình Định): Giống gà với chất lượng thịt ngon, dai, ngọt và là đặc sản của vùng đất Bình Định, Phú Yên.

- Gà Mía: Thịt ngon, vị ngọt đâm, thơm, dai được thị trường ưa chuộng và là giống gà được người xưa dùng làm lễ vật dâng thần thánh, tiến vua.

- Gà Rừng: Gà thường được nuôi ở các tỉnh miền núi, phổ biến là gà rừng tai trắng, thịt chắc, ngọt và thơm ngon.

- Gà Lạc Thuỷ: Giống gà có nguồn gốc ở huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình. Đây là giống gà dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon.

- Gà Chọi: Bao gồm 3 dòng gà trung, tiểu và đại. Gà Chọi được nuôi ở khu vực phía Bắc, miền Trung, miền Nam. Đây là giống gà có thể lực, bền bỉ, bộ lông mượt.

Đến giai đoạn 2, từ năm 2006 đến năm 2010, Công ty đã chọn tạo được 18 dòng thuần từ 3 giống gà nội: gà Chọi, gà Kiến và gà Mía; đã sử dụng cả phương pháp thủ công truyền thống lẫn áp dụng công nghệ hiện đại để chọn lọc định hướng ra 2 nhóm phù hợp với mục tiêu của từng dòng trống, mái.

Hồng Hà

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/hanh-trinh-tim-cho-dung-cho-ga-giong-noi-a15524.html