Đồng Nai: Dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 500.000 tấn chuối trong năm 2023

STNN – Trong 2 tháng đầu năm, tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu hơn 200.000 tấn chuối sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Dự kiến, trong năm 2023, sẽ có hơn 500.000 tấn chuối được xuất khẩu, đạt doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 22/02, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN &PTNT) tỉnh tổ chức lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm Quý Mão. Buổi lễ có sự tham dự của rất nhiều cơ quan, tổ chức như đại diện Bộ NN&PTNT, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tại TP.HCM, Văn phòng SPS Việt Nam, Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Hiệp hội rau quả Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở NN&PTNT Đồng Nai, các doanh nghiệp, HTX và đông đảo đại biểu đến từ vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên...

Các đại biểu cắt băng khai mạc lễ xuất khẩu chuối tươi năm Quý Mão.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là thủ phủ trồng chuối với diện tích trồng chuối lớn nhất cả nước với trên 13.100ha; đồng thời, cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mã vùng trồng chuối với 30 vùng trồng, diện tích gần 5.700ha, chiếm tỷ lệ 43% diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 39 cơ sở đóng gói được cấp mã số.

Do đó, bà Nguyễn Thị Hoàng mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu để sản phẩm trái chuối nói riêng, mặt hàng trái cây nói chung trên địa bàn tỉnh tiếp tục vươn xa trên thị trường thế giới. Đồng thời, đề nghị các Sở NN&PTNT, Công Thương, các địa phương tiếp tục đồng hành, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của Đồng Nai đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, trong thời gian gần đây, vai trò Nhà nước, các cấp, các ngành tại tỉnh Đồng Nai đã giúp ngành sản xuất chuối tươi thâm nhập sâu vào thị trường xuất khẩu. "Có thể nói rằng, việc thiết lập mã số vùng trồng chuối, thiết lập mã số cơ sở đóng gói… là đòn bẩy, là điểm tựa để các thành viên tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình. Chúng ta càng ý thức sâu hơn các yêu cầu thì chất lượng sản phẩm chuối xuất khẩu càng được nâng cao", ông Sinh cho biết.

Bên cạnh đó, ông Sinh cũng nhấn mạnh, trong quy trình liên kết chuỗi sản xuất chuối, thể hiện rõ trách nhiệm của các thành viên của chuỗi liên kết, nhà đầu tư, nông dân có thể yên tâm sản xuất chuối bền vững và hướng tới mở rộng vùng nguyên liệu. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện chuỗi liên kết người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước. Mối liên kết chuỗi này đã và đang thực hiện tốt các khâu từ trồng chuối đến thị trường tiêu thụ chuối.

Đoàn xe Container chở chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngay sau buổi lễ.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguỵ Hoa Tường – Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, Trung Quốc có nhiều nơi không trồng được cây chuối tươi, trong khi người Trung Quốc rất thích ăn chuối tươi. Vì vậy, Trung Quốc rất mong muốn hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy việc xuất khẩu chuối tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Lãnh sự quán Trung Quốc luôn ủng hộ và hỗ trợ quảng bá trái chuối tươi của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa từ các khâu đóng gói, bảo quản để quả chuối tươi đạt chất lượng tốt nhất.

Ngay tại buổi lễ xuất khẩu chuối tươi, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức hội thảo quy mô về chuối tươi xuất khẩu với sự tham dự của đại diện Bộ NN&PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các hợp tác xã trồng chuối tỉnh Đồng Nai và nhiều đối tác, khách hàng... Hội thảo cũng đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp cho việc trồng, chăm sóc cây chuối và nâng cao chất lượng sản phẩm chuối tại địa phương.

Theo thống kê, tỉnh Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất với trên 13.100ha (chiếm tỷ lệ 8,53%) và chiếm đến 70% diện tích chuối khu vực Đông Nam Bộ. Chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của Đồng Nai và có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500ha. Diện tích cây chuối phân bố trên khắp các địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán với năng suất trung bình khoảng 40 - 45 tấn/ha (trong khi tiềm năng có thể đạt từ 50 - 55 tấn/ha) và sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm, trong đó có hơn 80% xuất khẩu.

Năm 2023 tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 500.000 tấn chuối đạt doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng.

Giống chuối được trồng phổ biến là giống chuối già Nam Mỹ, tiếp đến là chuối sứ, chuối cau với thu nhập bình quân 1ha trồng chuối sau khi trừ các chi phí là vào khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Chuối được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Đến nay, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về số lượng mã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số. Đây cũng là tỉnh được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt lên tới 30 vùng trồng với diện tích 5.669ha (43% diện tích chuối của tỉnh) và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.

Trong năm 2022, có 15 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số thu mua xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Năm 2022, tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn chuối và dự kiến năm 2023 xuất khẩu hơn 500.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Theo số liệu ghi nhận được thì từ đầu năm đến nay tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu trên 200.000 tấn chuối.

Anh Đức

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/dong-nai-du-kien-se-xuat-khau-hon-500-000-tan-chuoi-trong-nam-2023-a16409.html