STNN – Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để cấp giấy 8 chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ cho 8 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với giá dự toán là 964 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Ngày 22/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (Sở NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-SNN phê duyệt danh sách tổ chức, cá nhân được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ năm 2023 và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ thuộc “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Theo Quyết định này, có 8 tổ chức, cá nhân được lựa chọn hỗ trợ để cấp 8 giấy chứng nhận sản phẩm sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ năm 2023 theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Trong đó, Trung tâm Khuyến nông chịu trách nhiệm về công tác lựa chọn, phải đảm bảo công khai và có sự thống nhất của các địa phương.
Theo đó, danh sách này gồm có:
- Công ty CP Dược Lâm Đồng với sản phẩm cây Attiso trên diện tích 2ha tại TP. Đà Lạt và huyện Lâm Hà theo TCVN11041-2:2017;
- Cơ sở mắc ca Hội Dung với sản phẩm cây Mắc ca trên diện tích 15ha tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông) theo TCVN11041-2:2017;
- Công ty TNHH Daisy International với sản phẩm cây Cà phê và chè trên diện tích 50ha tại xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) theo TCVN11041-2:2017;
- Hợp tác xã Hoa Linh coffe với sản phẩm cây Cà phê và vối trên diện tích 16,5ha tại xã Tân Châu, xã Liên Đầm (huyện Di Linh) theo TCVN11041-2:2017;
- Hợp tác xã Củ Năng Pro với sản phẩm Củ năng trên diện tích 40ha tại xã Pro (huyện Đơn Dương) theo TCVN11041-2:2017;
- Nông hộ Nguyễn Thái Sơn với sản phẩm cây Sầu riêng trên diện tích 30ha tại xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) theo TCVN11041-2:2017;
- Công ty TNHH MTV Cau Dat Bean với sản phẩm cây Cà phê và chè trên diện tích 29ha tại xã Trạm Hành (TP. Đà Lạt) theo TCVN11041-2:2017;
- Nông hộ Nguyễn Quốc Thắng với sản phẩm Bò thịt gồm 38 con tại xã Ka Đơn (huyện Đơn Dương) theo TCVN11041-3:2017.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, chi phí dự toán để cấp 8 giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ này là 964 triệu đồng. Đây là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự toán chi tiết tại Quyết định số 735/QĐ-UBND.
Sở NN&PTNT cũng giao cho Trung tâm Khuyến nông làm bên mời thầu với hình thức lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước và phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn 2 túi hồ sơ với loại hợp đồng trọn gói. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ từ quý 2/2023 và thời gian thực hiện hợp đồng là 3 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Được biết, đây là một phần trong kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, ngày 10/4/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 735/QĐ-UBND để phê duyệt kế hoạch và dự toán chi phí để thực hiện đề án này.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển sản xuất hữu cơ các loại cây trồng gồm rau, củ, cây ăn quả, lúa, chè, cà phê, điều, nấm đạt chuẩn hữu cơ trên diện tích 575ha với sản lượng đạt 4.685 tấn. Phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, gà đẻ trứng... đạt chuẩn hữu cơ. Hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất đạt chứng nhận theo quy định.
Tổ chức 5 lớp tập huấn cho 200 người nhằm định hướng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Triển khai xây dựng 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm: sản xuất chè hữu cơ, gà đẻ trứng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.
Xây dựng thương hiệu cho 4 sản phẩm đã đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ cho 3 tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm. Hỗ trợ cho 2 chủ trì về chi phí tư vấn xây dựng dự án, kế hoạch liên kết để phát triển 2 chuỗi liên kết sản xuất sơ chế, chế biến sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Cũng theo Quyết định này của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng kinh phí để thực hiện Đề án là hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là hơn 1,9 tỷ đồng và vốn các tổ chức, cá nhân đối ứng là khoảng 0,6 tỷ đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phân bổ cho việc đào tạo, tập huấn 104 triệu đồng. Phân bổ cho xây dựng và nhân rộng các mô hình 407,5 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại 175 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ là 100 triệu đồng. Phần còn lại là chi phí hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ với tổng số tiền 964 triệu đồng. Phần chi phí phân bổ này, Sở NN&PTNT đã quyết định sử dụng hết để hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho 8 tổ chức, cá nhân nêu trên.
Anh Đức
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/lam-dong-chi-964-trieu-dong-ho-tro-cap-8-giay-chung-nhan-san-pham-dat-chuan-huu-co-a19932.html