STNN – Công ty Trung Nguyên từng được cho phép đầu tư 2 dự án “khủng” tại tỉnh Lâm Đồng, nhưng cả 2 dự án này đã không thể hoàn thành khi đều phải sớm chấm dứt hoạt động. Phải chăng, Lâm Đồng là “miền đất dữ” đối với doanh nghiệp này?
“Sớm nở chóng tàn”
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 29/5/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét đề nghị thu hồi đất dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend – Lộc An (Khu thưởng lãm Trung Nguyên Legend – Lộc An) để giao cho địa phương quản lý theo đề xuất của UBND huyện Bảo Lâm và báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh trước ngày 09/6/2023.
Theo đó, dự án này vốn dĩ được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP cà phê Trung Nguyên (Công ty Trung Nguyên) làm chủ đầu tư theo Quyết định số 2322/QĐ-UBND ngày 26/10/2017. Tổng diện tích để thực hiện dự án là 15.529m2 với vốn đầu tư 33 tỷ đồng, trong đó, vốn của Công ty Trung Nguyên 15 tỷ đồng và vốn huy động khác là 18 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án Khu thưởng lãm Trung Nguyên Legend – Lộc An là xây dựng không gian thưởng lãm và làm trưng bày để kinh doanh sản phẩm cà phê Trung Nguyên và các loại hàng hóa khác. Đồng thời, đây cũng là địa điểm để kinh doanh ăn uống, góp phần tạo việc làm, đóng góp ngân sách cho địa phương.
Cũng theo chấp thuận chủ trương đầu tư này, từ quý 4/2017 đến quý 1/2018 Công ty Trung Nguyên phải hoàn thành các thủ tục đầu tư. Từ quý 2/2018 đến quý 1/2019, Công ty Trung Nguyên phải hoàn thành các hạng mục công trình nhà bán hàng, nhà ở nhân viên, chòi; xây dựng không gian cà phê ngoài trời, bể nước, hồ cảnh quan, bãi đậu xe; đầu tư cơ sở hạ tầng; cải tạo cảnh quan, trồng cây xanh.
Từ quý 2/2019 đến hết quý 3/2019, Công ty Trung Nguyên phải cải tạo các hạng mục như khu triển lãm và kinh doanh cà phê, 3 nhà kho, nhà vệ sinh, văn phòng, nhà ở nhân viên; hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động.
Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thanh tra dự án này và ban hành Kết luận số 9097/KL-BKHĐT ngày 23/12/2021. Theo đó, dự án Khu thưởng lãm Trung Nguyên Legend – Lộc An đầu tư chậm tiến độ vi phạm theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014 và Điều 48 Luật Đầu tư 2020. Đồng thời, dự án này cũng chậm đưa đất vào sử dụng vi phạm khoản i Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Từ kết luận thanh tra này, ngày 19/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1655/QĐ-UBND để chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Khu thưởng lãm Trung Nguyên Legend – Lộc An. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở TN&MT thực hiện quy trình thu hồi đất đã cho Công ty Trung Nguyên thuê và giao cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý; đề xuất hướng xử lý đối với diện tích đất thuộc dự án còn lại ngoài diện tích thuê 15.529m2 theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm giám sát việc chấp hành của Công ty Trung Nguyên trong việc chấm dứt hoạt động của dự án; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực dự án khi thực hiện việc thu hồi đất.
Có thể thấy, Khu thưởng lãm Trung Nguyên Legend – Lộc An là một dự án đầu tư “sớm nở chóng tàn” của Công ty Trung Nguyên, khi mà thời gian từ lúc hình thành đến khi chấm dứt dự án này chỉ chưa đầy 5 năm (4 năm 10 tháng 23 ngày).
Từng chấm dứt 1 dự án khác
Trước đó, ngày 23/3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 614/QĐ-UBND để thu hồi đất dự án đầu tư trồng rừng, chăn nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng của Công ty Trung Nguyên. Theo đó, dự án này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Trung Nguyên thực hiện đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000714 ngày 17/12/2010.
Mục tiêu của dự án này là trồng rừng, chăn nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng; góp phần bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và góp phần tăng thu ngân sách tại địa phương. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, tức đến ngày 17/12/2060.
Quy mô của dự án này mà Công ty Trung Nguyên được cho phép thực hiện trên diện tích đất 191,07ha tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm với tổng vốn đầu tư là 250 tỷ đồng. Trong đó, diện tích phân bổ gồm: quản lý bảo vệ rừng là 81,31ha; trồng rừng 106,94ha, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng 1ha và đất mặt nước 1,82ha.
Bên cạnh đó, dự án chăn nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng khi được thực hiện sẽ có quy mô khoảng 1.000 con heo rừng nái lai sinh sản. Đồng thời, chủ đầu tư phải xây dựng trang trại hữu cơ khép kín, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng vườn chè; xây dựng nhà máy chế biến chè cao cấp với công suất 600-800 tấn nguyên liệu 1 năm và khai thác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Cũng theo Chứng nhận đầu tư số 42121000714, tiến độ đầu tư của dự án là đến năm 2022 phải đưa dự án vào hoạt động kinh doanh và khai thác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Duy trì đàn heo nái giống 1.000 con, lượng thịt heo xuất chuồng là 12.000-13.000 con/năm.
Để triển khai dự án, Công ty Trung Nguyên đã tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất trên diện tích 1,21ha; xây dựng nhà văn phòng trên diện tích 60m2; xây dựng khu trang trại nuôi heo rừng 300m2; làm ao hồ 1,87ha; trồng rừng 26,562ha; trồng cà phê xen dâu, xen muồng, xen mắc ca, xen tiêu trên diện tích 77,81ha (dưới tán rừng 19,48ha).
Mặc dù đã thực hiện đầu tư các hạng mục như vậy, thế nhưng đến ngày 25/7/2019, Công ty Trung Nguyên bỗng nhiên ra Quyết định số 02/2019/QĐ-TN về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư này. Đồng thời, Công ty Trung Nguyên cũng gửi thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án trồng rừng, chăn nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng cho một số cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng. Từ thông báo của Công ty Trung Nguyên, ngày 01/8/2019, Sở KH&ĐT đã có báo cáo cho UBND tỉnh Lâm Đồng về đề nghị chấm dứt hoạt động tại dự án này.
Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã liên tiếp có động thái thu hồi đất và rừng đã giao cho Công ty Trung Nguyên. Đến ngày 23/3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 614/QĐ-UBND để thu hồi 191,07ha đất đã cho Công ty Trung Nguyên thuê và giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý.
Đáng nói là, sau khi được giao rừng thực hiện dự án này, Công ty Trung Nguyên đã gây thiệt hại về rừng nghiêm trọng khi để mất rừng với diện tích lên đến 103,12ha. Nhiều diện tích rừng bị người dân lấn chiếm, nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chưa kể, trên diện tích rừng được cho thuê, 32 căn nhà, chòi “mọc” trái phép trên đất lâm nghiệp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về việc mất rừng của Công ty Trung Nguyên ở bài viết sau.
Anh Đức
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/lam-dong-mien-dat-du-doi-voi-cong-ty-trung-nguyen-a20302.html