Phát triển nuôi ruồi lính đen trong sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn

STNN - Mô hình sử dụng ruồi lính đen trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường và giảm được gánh nặng lên ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay.

STNN - Nhu cầu đạm trên thế giới ngày càng tăng cao theo sự gia tăng của dân số. Theo dự đoán, tới trước năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng lên thêm 30%, đạt mức 9,1 tỷ người. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước lượng nhu cầu đạm giá trị dinh dưỡng cao từ động vật sẽ tăng lên nhanh chóng và các nhà khoa học đang tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng được điều này? Ruồi lính đen có thể là câu trả lời cho câu hỏi này.

ruồi lính đenHiện nay, khoảng 2 tỷ người trên Trái đất đang sống dựa vào thịt của động vật. FAO dự đoán con số này sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới. Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ thịt, cá cho dân số đang ngày càng tăng thì sản lượng thịt từ ngành chăn nuôi cũng phải gia tăng theo tương ứng. Điều này đặt ra gánh nặng cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, lượng đạm cần để phát triển ngành chăn nuôi cũng đang gặp một vấn đề lớn và nhu cầu tìm kiếm nguồn đạm bền vững cho ngành chăn nuôi trong tương lai là điều vô cùng cần thiết.

Hiện nay, ba nguồn cung cấp đạm chính cho gia súc và gia cầm là hạt có dầu, phụ phẩm
từ động vật và bột cá. Tuy nhiên, những nguồn đạm trên đòi hỏi những điều kiện khá cao trong việc sản xuất và đặt áp lực lên môi trường. Đứng trước bài toán kinh tế đó, việc tìm kiếm một nguồn đạm cho chăn nuôi và bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giải quyết được vấn đề này, và nuôi ruồi lính đen trong mô hình sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn là một mô hình đáng để tham khảo.

Ruồi Lính đen (RLĐ) (Hermetia illucens Linnaeus, 1758) thuộc họ ruồi đen (Stratiomyidae) có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và nơi có nhiệt độ ẩm thuộc châu Mỹ. Kể từ những năm 1940, cùng với sự phát triển giao thương giữa các nước mà loài RLĐ này phân bố ở nhiều vùng trên Trái đất. Đây là loài ngoại lai, hiện có trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, không gây hại đến môi trường và đa dạng sinh học và có tiềm năng lớn cho chăn nuôi để xử lý chất thải chăn nuôi, lấy protein côn trùng sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và sản xuất phân bón hữu cơ.

EU, Mỹ, Trung Quốc và một số nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã xác định RLĐ là loại vật nuôi an toàn, hữu ích và cho phép chăn nuôi RLĐ để xử lý chất thải chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ hoặc thức ăn chăn nuôi thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn quản lý hoạt động chăn nuôi.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời điểm tháng 01/2022, có 35/45 tỉnh có cơ sở nuôi RLĐ với tổng số cơ sở nuôi là 120 cơ sở, phân bố ở cả 7 vùng sinh thái của cả nước. Trong đó, có 12 cơ sở chăn nuôi với quy mô từ 200 đến 2.000m2 để sản xuất, kinh doanh hoặc để xử lý chất thải chăn nuôi, làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng. Sâu non RLĐ có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản và nông sản… tạo ra chất mùn. Ngoài ra, sâu non ruồi sống có hàm lượng protein và chất béo thô cao thích hợp làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Với những đặc điểm nêu trên, việc nhân nuôi và ứng dụng RLĐ có ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế, khoa học và quản lý nhà nước nhằm đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường, tạo nguồn protein mới, tái tạo và tạo phân bón hữu cơ để hướng tới nền chăn nuôi bền vững, hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. RLĐ đã được bổ sung vào số thứ tự 08 Phụ lục VIII vào danh mục động vật nuôi khác theo khoản e, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, của Nghị định 46/2022/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký.

Ruồi lính đen giai đoạn trước khi hóa nhộng.
Ruồi lính đen giai đoạn trước khi hóa nhộng.

Sâu non RLĐ được coi là loài vô hại. Sâu non đóng vai trò tương tự như giun quế, giúp phân hủy các chất hữu cơ, trả lại các chất dinh dưỡng về đất. Loài ruồi này không tìm cách vào nhà, quán ăn, mà chúng sống cách biệt với con người. RLĐ trưởng thành sống và đẻ trứng dựa vào lượng chất béo được tích tụ từ giai đoạn phát triển sâu non (Larouche J., 2019). Đặc điểm sinh học này lý giải tại sao hầu như ít ai thấy RLĐ tại Việt Nam ngay cả khi chúng hiện diện trong khu vực dân cư sinh sống, cả thành thị và nông thôn.

Khi sử dụng sâu non RLĐ để phân hủy phân động vật, khối lượng phân và thành phần kim loại nặng giảm đi đáng kể, phân cũng không còn mùi hôi. Ngoài khả năng phân giải phân động vật, sâu non RLĐ còn có khả năng phân giải rác thải nhà bếp, vỏ quả cà phê, bã hạt cọ dầu, chất thải nông nghiệp và một số rác thải hữu cơ khác. Quá trình chuyển đổi chất hữu cơ thành nguồn năng lượng của RLĐ là một cách rất hay để quản lý lượng lớn rác thải hữu cơ, vốn là mối đe dọa cho hệ sinh thái nếu lượng lớn này phân tán trong một khu vực nhất định. Đặc biệt, lượng Nitơ cao trong phân không thể được hấp thụ hoàn toàn vào đất, vì vậy sẽ gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Mùi phát ra từ phân bón cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho người dân địa phương. Việc quản lý phân là mối quan tâm chính tại nhiều khu vực nông thôn, nơi tập trung chăn nuôi cao.

Nhìn chung, mô hình sử dụng RLĐ trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế khả quan và đã chứng minh được phần nào thông qua quá trình sản xuất thực tiễn. Việc này góp phần bảo vệ môi trường và giảm được gánh nặng lên ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay.

Chương Dương

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phat-trien-nuoi-ruoi-linh-den-trong-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-kinh-te-tuan-hoan-a21270.html