Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, một xu thế tất yếu hiện nay

STNN – Với nền kinh tế nông nghiệp phong phú về lĩnh vực, ngành nghề cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Hình minh họa

Kinh tế tuần hoàn, khái niệm không mới nhưng thực hiện có dễ?

Khái niệm kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner từ năm 1990, để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Kinh tế tuần hoàn đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải.

Một thời gian dài, con người đã lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức khiến môi trường bị tàn phá. Cả thế giới đang phải đối diện với những thách thức rất lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, trong nông nghiệp, sự chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp bền vững là một nhiệm vụ quan trọng.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững

Xây dựng kinh tế tuần hoàn (trong đó bao gồm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp) đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước và được đánh giá là nền tảng của phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, Đảng ta nhận định: “Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”. Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, bản Chiến lược ghi rõ: “Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 01/02/2021 đã đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính.

Tại buổi họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đến tổ chức lại sản xuất theo chu trình khép kín. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tái sử dụng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất đầu vào, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trong quy trình sản xuất nông nghiệp, điều vô cùng quan trọng là khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả; giảm thiểu tối đa sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất phải được tái chế, sử dụng mang lại giá trị gia tăng thêm cho bà con nông dân, tạo thêm công ăn việc làm mới và tăng thu nhập.

Đẩy mạnh và nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp 

Ở quy mô nhỏ, chuỗi liên kết, tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp cũng có thể giúp mang lại hiệu quả kinh tế.

Nông nghiệp tuần hoàn nhằm hướng đến phát thải bằng 0 cần sự góp sức không nhỏ của công nghệ hỗ trợ nông nghiệp. Thực tế, công nghệ vi sinh trong nông nghiệp được Viện nghiên cứu Công nghệ Hỗ trợ Nông nghiệp (Astri) sản xuất từ các phế thải hữu cơ trong nông nghiệp như phân chuồng, rơm rạ, bã ngô, vỏ cà phê, bánh dầu, phế phụ phẩm trong thủy sản… trộn chung với vi sinh vật giúp chuyển hóa nhanh các chất khó tan thành dạng dễ hấp thu và khử mùi hôi vừa bảo vệ môi trường vừa duy trì nguồn đất khoẻ mạnh.

Việc sử dụng các giống cây cải tiến, cây trồng công nghệ sinh học với những ưu điểm vượt trội như: cây khỏe mạnh, phòng tránh được sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt là một giải pháp nhằm giảm đáng kể đầu vào nông nghiệp như nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đây cũng được coi là công cụ quan trọng trong nông nghiệp tuần hoàn.
Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cần được khuyến khích cả ở quy mô nhỏ, ở đó các hộ làm kinh tế nông nghiệp không chỉ là tái sử dụng chất thải nông nghiệp, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán.

Tham quan mô hình làm kinh tế nông nghiệp tuần hoàn quy mô nhỏ tại phường Quảng Thành (Gia Nghĩa, Đắk Nông), ông Phan Huy Hoàng cho biết: Gần 3 năm nay gia đình không phải mua phân bón hóa học cũng là nhờ chuỗi liên kết. Vườn nhà trồng chuối, ông đã tận dụng lá, thân, quả chuối để chăn nuôi lợn, vịt, gà, cá; tận dụng phân, nước thải của vật nuôi để tăng dinh dưỡng cho đất trồng. Chuối chín cây được ủ theo phương pháp lên men tự nhiên để làm mật chuối. Bã chuối trong quá trình làm mật chuối được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, tăng chất lượng thịt, giảm chi phí chăn nuôi.

Tạo thành các vòng tuần hoàn trong kinh tế nông nghiệp mang lại các lợi ích cụ thể, giúp phát triển bền vững, đó là: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Ở tầm nhìn xa, cần xây dựng các mô hình kinh doanh, tiêu thụ nông sản dựa trên nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn để cho các bên từ nhà sản xuất, nhà kinh doanh, người tiêu dùng cùng có lợi ích khi tham gia nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Hoàng Giáp

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây