Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng Tám và 8 tháng năm 2023

STNN - Sản xuất nông nghiệp trong tháng Tám tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu, đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông. Chăn nuôi phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp gặp bất lợi do thời tiết chuyển hướng nhanh từ nắng nóng sang mưa lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới ở nhiều địa phương.

Về nông nghiệp

Tính đến ngày 15/8/2023, cả nước gieo cấy được 1.387,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 1.001 nghìn ha, bằng 97,8% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam đạt 386,3 nghìn ha, bằng 100,5%. Diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó vùng đồng vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 10,1 nghìn ha do chuyển sang đất phi nông nghiệp để đô thị hóa, làm đường và mở rộng các khu công nghiệp hoặc chuyển sang đất trồng cây lâu năm (Hà Nội giảm 2,4 nghìn ha, Hưng Yên giảm 1,4 nghìn ha). Vùng Bắc Trung Bộ giảm 5,3 nghìn ha do thời tiết nắng nóng từ đầu vụ nên không gieo trồng trên diện tích đất chưa chủ động được nguồn nước (Thanh Hóa giảm gần 3 nghìn ha, Nghệ An giảm 2,1 nghìn ha).

Diện tích gieo trồng một số cây hàng năm (tính đến trung tuần tháng 8/2023).

Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm 2023 ước đạt 1.912,5 nghìn ha, giảm 0,2% so với vụ hè thu năm trước. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 56% diện tích gieo cấy và bằng 96,6% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 892,7 nghìn ha, chiếm 60,6% và bằng 96,1%. Năng suất lúa hè thu ước đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước do các địa phương tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như chương trình “một phải, năm giảm” (phải sử dụng giống lúa có chứng nhận và thực hiện năm giảm: giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước tưới qua kỹ thuật ngập - khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch). Chương trình “ba giảm, ba tăng” (giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón nhưng vẫn tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm). Sử dụng máy móc để làm đất, gieo trồng đảm bảo thời vụ, đẩy mạnh đầu tư, thâm canh cây trồng, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước từ các công trình thủy lợi…; sản lượng ước đạt 11 triệu tấn, tăng 157 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2022.

Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu sớm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xuống giống lúa thu đông, tính đến trung tuần tháng Tám, đã xuống giống được 391,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 103,2% cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo trồng lúa thu đông năm nay tăng cao so với cùng kỳ do thời tiết và nguồn nước khá thuận lợi, giá lúa tăng cao người nông dân có lãi. Một số địa phương có diện tích lúa thu đông tăng nhiều là Trà Vinh tăng 6,5 nghìn ha; Vĩnh Long tăng 10,5 nghìn ha; Đồng Tháp tăng 5,2 nghìn ha. Hiện lúa thu đông sinh trưởng và phát triển khá tốt, tình hình sâu bệnh tuy có phát sinh nhưng bà con nông dân phòng, trị kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích gieo trồng cây ngô giảm do giá phân bón và ngô giống tăng cao; diện tích khoai lang, đậu tương, lạc giảm do người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và rau đậu cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về chăn nuôi

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn trái phép, không rõ nguồn gốc làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.

Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 8/2023 so với cùng thời điểm năm trước.

Tính đến ngày 24/8/2023, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Tiền Giang; dịch viêm da nổi cục còn ở Thái Nguyên, Đắk Lắk, Tiền Giang và dịch tả lợn châu Phi còn ở 15 địa phương chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 8/2023 ước đạt 22,1 nghìn ha, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết nắng nóng kéo dài trong 2 tuần đầu của tháng và chuyển nhanh sang mưa lũ gây sạt lở đất ở nhiều địa phương nên ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,4 triệu cây, tăng 3,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.838,8 nghìn m3, tăng 2,1% do một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao như Nghệ An tăng 7,4%, Quảng Nam tăng 7,8%, Hòa Bình tăng 5%, Bắc Giang tăng 3,5%. Tính chung 8 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 160,6 nghìn ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng thời tiết cực đoan nên tiến độ trồng rừng mới giảm, một số diện tích trồng mới bị chết; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 58,5 triệu cây, tăng 4,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 12,4 triệu m3, tăng 2,9% do một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 108,4 ha, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 99,9 ha, tăng 30,8%; diện tích rừng bị cháy là 8,5 ha, gấp 38,8 lần. Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 1.484,9 ha rừng bị thiệt hại, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 857,6 ha; tăng 13,3%; diện tích rừng bị cháy là 627,3 ha gấp 25,6 lần do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài.

Chương Dương

 

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/san-xuat-nong-nghiep-thang-8-2023-sinhthainongnghiep-a23585.html