Sản xuất nông nghiệp nhìn chung có kết quả khả quan, ngành lâm nghiệp gặp khó khăn do thời tiết trong tháng 7/2023

STNN – Sản xuất nông nghiệp trong tháng 7/2023 tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, lúa thu đông, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm. Chăn nuôi phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp gặp bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới ở nhiều địa phương. 

Tình hình sản xuất nông nghiệp

Diện tích gieo trồng một số cây hằng năm tính đến trung tuần tháng 7/2023.

Lúa mùa

Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.194,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 105,8% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 836,1 nghìn ha, bằng 108%; các địa phương phía Nam gieo cấy 358,3 nghìn ha, bằng 101%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm 2023 nhanh hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do các địa phương phía Bắc gieo trồng và thu hoạch lúa đông xuân đúng thời vụ (năm trước thu hoạch muộn do ảnh hưởng của hiện tượng La-Nina), thời tiết thuận lợi, đủ nước cho sản xuất. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt.

Lúa hè thu

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.905,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 172,9 nghìn ha, bằng 98,7%; các địa phương phía Nam đạt 1.732,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.473,2 nghìn ha, bằng 100,5%. Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 484,9 nghìn ha, bằng 109,5% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 472,1 nghìn ha, bằng 110%.

Lúa thu đông

Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 263,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 94,3% cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích lúa thu đông giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là: Cần Thơ giảm 3,3 nghìn ha; Hậu Giang giảm 1,6 nghìn ha; Bạc Liêu giảm 0,9 nghìn ha. Sản xuất lúa vụ thu đông thường phải đối mặt với bất lợi do sâu bệnh và mưa lũ. Do vậy, bà con nông dân cần thực hiện tốt theo các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, xuống giống tập trung đồng loạt trên từng cánh đồng, né rầy, tránh lũ, cũng như đảm bảo thời gian giãn vụ hợp lý. Hiện nay, lúa thu đông đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Chăn nuôi

Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 7/2023 so với cùng thời điểm năm trước.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và giá thịt lợn hơi tăng trong những tháng gần đây. Tuy vậy, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, quản lý tốt tình hình chăn nuôi tại địa phương.

Tính đến ngày 24/7/2023, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm và dịch viêm da nổi cục còn ở Tiền Giang; dịch tả lợn châu Phi còn ở 8 địa phương chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 5 ổ dịch bệnh nhiệt thán tại Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên và hiện nay còn ở Lai Châu chưa qua 21 ngày.

Bệnh nhiệt thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã) và con người gây ra bởi vi khuẩn Bacillus anthracis.

Tình hình sản xuất lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 7/2023 ước đạt 13 nghìn ha, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước do nắng nóng kéo dài, ít mưa dẫn đến một số diện tích rừng trồng mới bị ảnh hưởng; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,1 triệu cây, tăng 4,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.688,9 nghìn m3, giảm 1,6%. Tính chung 7 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 138,5 nghìn ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 52,1 triệu cây, tăng 4,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 10,5 triệu m3, tăng 2,8%.

Tính đến hết ngày 15/07/2023, diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 180,8 ha, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 90,8 ha, tăng 24,7%; diện tích rừng bị cháy là 90 ha, gấp 4,3 lần. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có 1.348,8 ha rừng bị thiệt hại, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 715,5 ha, tăng 9,3%; diện tích rừng bị cháy là 633,3 ha, gấp 14 lần.

Chương Dương

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây